Côn Đảo được ví như “viên ngọc xanh” trên biển và là một trong những khu Ramsar được thế giới công nhận, đánh giá cao.
Phối cảnh quy hoạch Bãi Sau TP. Vũng Tàu trong tương lai.
Tiềm năng phát triển du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế
Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng du lịch sẵn có cùng hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Đây cũng là địa phương duy nhất trong vùng Đông Nam bộ có bờ biển dài với bãi cát thoải, sạch, nước trong và đủ điều kiện phát triển du lịch chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu được ưu đãi nhiều khu vực cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong lành, cùng các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, huyện đảo Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được biết đến vừa là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng, biển, một trong những khu Ramsar được thế giới công nhận và đánh giá cao.
Vị trí địa lý nằm liền kề với các trung tâm kinh tế, tập trung đông đúc dân cư của vùng Đông Nam Bộ với thị trường hơn 18 triệu dân với thu nhập tính theo đầu người cao gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh cũng là lợi thế để nơi đây thu hút khách du lịch...
Tượng chúa Kito Vũng Tàu là điểm nhận diện độc nhất của TP. Vũng Tàu
Có thể thấy rằng, sự hội tụ của tất cả những yếu tố trên đã tạo điều kiện để Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm du lịch chất lượng cao của vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận, là một trong những điểm đến hàng đầu vốn đã định hình thương hiệu từ lâu.
Sau nhiều năm phát triển theo hướng đại trà, Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần chuyển mình lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị du lịch với sự hình thành các cụm ngành du lịch chất lượng cao, các trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.
Mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, TP. Vũng Tàu được định hướng phát triển không chỉ là trung tâm du lịch cấp vùng, cấp quốc gia mà phải phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang đẳng cấp quốc tế. Đặc biệt trong tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được định hướng để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. Đây là cơ sở và cũng là cơ hội lớn để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước.
"Trong Quy hoạch thời kỳ tới, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục xác định du lịch là một trong năm trụ cột kinh tế quan trọng với việc định hướng phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam, tiêu biểu như chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo..." ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.
Trong tương lai Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành... "siêu Cảng"
Nhằm từng bước phát triển để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng như: Khu vực như tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; Hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới; Đầu tư mở rộng cảng hàng không Côn Đảo, cầu Phước An...; Khôi phục, nâng cấp cảng hàng không Biên Hòa - Vũng Tàu thành lưỡng dụng cấp 4E; Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á; Phát triển các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại TP mới Phú Mỹ…
Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng Đông Nam Bộ, nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hội đủ các điều kiện để phát triển trung tâm logistics và cảng biển trung chuyển quốc tế nhờ vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế từ châu Âu, Trung Đông qua khu vực Bắc Á và châu Mỹ.
Với điều kiện thuận lợi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện, các dự án kết nối với vùng hậu phương như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông liên cảng Cái Mép - Thị Vải và đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế.
TP du lịch Vũng Tàu về đêm
Song song với đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tập trung phát triển loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng như: du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị (MICE), du lịch biển, du lịch sinh thái; Tiềm năng phát triển du lịch trên hệ thống sông Dinh, sông Chà Và, kết nối với rừng ngập mặn thuận lợi cho du lịch sinh thái bằng cano, du thuyền; Du khách có thể khám phá toàn cảnh của Bà Rịa - Vũng Tàu, ngắm hệ thống cảng dầu khí, làng bè, tham quan nuôi hải sản, thưởng thức ẩm thực đặc sắc… Là địa phương tập trung nhiều cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp hoặc tương đương 4 - 5 sao; Hạ tầng giao thông thuận lợi trong khu vực Đông Nam Bộ; Đặc biệt TP. Vũng Tàu là thành phố duy nhất của Việt Nam giữ vững danh hiệu "Thành phố du lịch Sạch ASEAN".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!