Những ngày qua, gia đình ông Trần Văn Hành ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn bận rộn với việc thu hoạch vải thiều. Sản xuất vải thiều đã nhiều năm nhưng năm nay, công việc thu hoạch, đóng gói vải thiều đối với ông khá mới mẻ.
Năm nay, vườn vải thiều của gia đình ông Hành được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ. Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ về kỹ thuật để sản xuất an toàn, bền vững, hệ thống camera lắp đặt giám sát tại vườn, quy trình chăm sóc theo dõi bằng nhật ký điện tử. Hiện nay, gia đình ông đã thu hoạch và cung ứng ra thị trường hàng tấn vải thiều được đóng gói. Loại đóng túi giấy 1 kg có giá bán 85.000 đồng, loại đóng hộp 12 quả có giá bán 200.000 đồng, tương đương khoảng 600.000 đồng/kg. Chính quyền địa phương là "cầu nối" giữa doanh nghiệp và người nông dân.
Năm nay, lần đầu tiên Bắc Giang sản xuất vải thiều hữu cơ với diện tích khoảng 20 ha. Mô hình liên kết sản xuất vải thiều hữu cơ là một định hướng đúng để mở rộng chuỗi liên kết.
Quả vải thiều được đóng gói sang trọng đã có giá trị tăng lên hơn cả chục lần so với bình thường là điều mà ít ai nghĩ đến. Rõ ràng, giá trị của nông sản không hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng mà bao bì, nhãn hiệu đã giúp nâng cao giá trị gia tăng của nông sản. Câu chuyện về quả vải thiều hữu cơ của tỉnh Bắc Giang trong vụ mùa năm nay đã khẳng định rõ hơn cho hiệu quả của sự liên kết giữa "Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!