Bài học từ thủ phủ cam giảm mạnh diện tích

Anh Thư-Chủ nhật, ngày 03/12/2023 19:37 GMT+7

VTV.vn - Từ năm 2020 đến nay, thủ phủ cam Cao Phong, Hòa Bình suy giảm diện tích tới gần 4 lần, lớn nhất từ trước đến nay.

Cách đây 5 năm, tại Cao Phong, Hòa Bình, 1 ha cam sau khi trừ chi phí có thể mang lại cho người trồng khoảng 800 triệu đồng. Lợi nhuận cao khiến nhà nhà, người người trồng cam. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, thủ phủ cam suy giảm diện tích tới gần 4 lần, lớn nhất từ trước đến nay, nên hiện chỉ còn hơn 1.300 ha. Địa phương này đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để nhận diện nguyên nhân và thực hiện tái canh cây có múi một cách bài bản, bền vững.

Từ cuối năm 2022, ông Hiền (xã Thu Phong, Cao Phong, Hòa Bình) đã phải bỏ 1 ha với 500 gốc cam để chuyển sang cây khác. Sau 2 vụ, ông hy vọng cây mía, cây ngô sẽ giúp cải tạo đất sau một quá trình tác động quá nhiều phân thuốc hóa học và dùng thuốc cứu cây.

Bài học từ thủ phủ cam giảm mạnh diện tích - Ảnh 1.

Thành viên HTX 3T Farm huyện Cao Phong thu hoạch cam. (Ảnh: TTXVN)

Để có những đánh giá toàn diện, lần đầu tiên đại diện 3 viện khoa học và các chuyên gia đến từ Australia đã có chuyến khảo sát tại các vựa cam lớn của Tuyên Quang và Hòa Bình.

Tại những vườn cam 6 - 7 năm tuổi, sản lượng chỉ 25 - 30 kg/cây, thay vì 1-2 tạ/cây như trước đây, các nhà khoa học đã nhận diện khoảng cách lớn giữa tập huấn và việc tự xử lý của nông dân khi cam mắc bệnh.

"Chúng ta thấy rất nhiều bất cập trong chăm sóc cây trồng vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có nhiều khi hướng dẫn chưa thực sự chi tiết để người dân có thể nắm chắc được", ông Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, cho biết.

"Ngay cả ứng xử với bệnh vàng lá greening cũng mỗi vườn một cách, điều này khiến sức khỏe của cây của đất bị hủy hoại. Kinh nghiệm của Australia là người trồng và cơ quan quản lý phải hợp tác chặt chẽ, gắn với chiến lược phát triển và quy trình sản xuất chuẩn", bà Irene Kernot, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Australia, nhận định.

Mới đây, tỉnh Hòa Bình cũng đã đưa ra đề án tái canh cây có múi giai đoạn 2021 - 2025 một cách bài bản. Còn hiện ông Quảng là số ít hộ vẫn giữ được vườn cam 10 năm tuổi. Không chạy theo sốt giá, ông lựa chọn cách trồng lâu dài theo hướng hữu cơ. Nuôi cỏ cũng là cách để nuôi cam, điều không nhiều nông dân nhận ra sau cơn bĩ cực giá giảm, sản lượng giảm.

Nhà vườn tất bật chuẩn bị cam, cây cảnh phục vụ Tết Nhà vườn tất bật chuẩn bị cam, cây cảnh phục vụ Tết

VTV.vn - Thời điểm này, bà con nông dân đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Các loại quả có múi và cây cảnh Tết là những mặt hàng không thể thiếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước