Cam Cao Phong khẳng định thương hiệu

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 23/11/2022 13:52 GMT+7

VTV.vn - Cam Cao Phong, Hòa Bình đã chính thức bắt đầu vào vụ thu hoạch và hiện đã xuất hiện nhiều thương nhân đến thu mua tại vườn.

Để tiếp tục khẳng định thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm nay chính là cơ hội cho các bên.

Trồng cam là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Lương (huyện Cao Phong, Hòa Bình) với 2 loại cam lòng vàng CS1 và cam canh theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng ngày càng ngon hơn, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

"Trên địa bàn Cao Phong chúng tôi, cây cam mang lại giá trị hiệu quả kinh tế tốt hơn so với cây trồng khác. Ngoài ra, người lao động, các tổ chức, cơ quan từ cơ sở đến trung ương tạo điều kiện để xây dựng, phát triển thương hiệu cam Cao Phong", anh Hoàng Văn Lương, người trồng cam huyện Cao Phong, Hòa Bình, chia sẻ.

Cam Cao Phong khẳng định thương hiệu - Ảnh 1.

Cam Cao Phong đang vào kỳ thu hoạch. (Ảnh: TTXVN)

Toàn huyện Cao Phong có hơn 1.500 ha diện tích trồng cam cho sản lượng 18.000 tấn, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng hơn 530 ha.

"Tổ chức cho du khách tham quan chợ quê và tổ chức các điểm du lịch. Đến với lễ hội cam năm nay, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản của huyện Cao Phong", ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, Hòa Bình, thông tin.

Thời gian tổ chức Lễ hội cam năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 25/11 đến ngày 2/12/2022.

Thúc đẩy phát triển cây ăn trái chất lượng cao

Không chỉ cam, mà càng về cuối năm nhu cầu các mặt hàng trái cây cũng nhiều hơn. Đây cũng là cơ sở để những địa phương có lợi thế về đất đai khí hậu đẩy mạnh sản xuất, đa dạng sản phẩm. Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 13.000 ha cây ăn trái, tăng hơn 1.000 ha so với năm ngoái. Để có kết quả này, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân.

Những nông dân như anh Pho (xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) giờ đã quen với cách trồng dưa lưới trong nhà màng. Đây cũng là cách hạn chế côn trùng gây bệnh, ứng phó với thay đổi của thời tiết. Mỗi sào dưa lưới sau 3 tháng chăm sóc, sẽ cho lợi nhuận dao động từ 40 đến 50 triệu đồng.

"Trước em trồng cao su mà cao su thì mủ không có bao nhiêu. Em thấy mấy ông anh quanh đây trồng dưa lưới, em học hỏi theo. Trồng xong em nhờ mấy anh trồng trước bán giùm, 25.000 đồng/kg", anh Lâm Pho, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, Bình Phước, chia sẻ.

Để có được sự đồng thuận từ người dân, địa phương đã và đang hỗ trợ bà con kỹ thuật, tư vấn thị trường và đặc biệt là vốn. Với 2 ha chuyển đổi từ điều sang bưởi da xanh, nhờ có số vốn được vay, anh Cường (xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) sử dụng để đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động.

Năm 2022, Quỹ Hỗ trợ nông dân Bình Phước đã giải ngân hơn 6,5 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên các mô hình trồng cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại các huyện biên giới như Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập hiện đã có 7 hợp tác xã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước