Chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là cách để doanh nghiệp tự cứu mình.
Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến các thủ tục cho việc chuyển đổi. Tuy nhiên, vẫn không ít doanh nghiệp tỏ ra lo lắng và nghe ngóng bởi theo họ nếu thủ tục hành chính kéo dài một vài năm, doanh nghiệp sẽ không thể giải phóng nhanh được hàng tồn kho mà thị trường cũng chẳng thể sớm có được nhà ở xã hội giá rẻ.
Sở hữu dự án nhà ở thương mại nằm ở vị trí đắc địa trên đường Lê Văn Lương kéo dài nhưng công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hà Nội vẫn quyết định chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Theo chủ đầu tư dự án thì nếu cứ cố thủ giữ nguyên là dự án thương mại, doanh nghiệp sẽ không thể bán được hàng. Nếu chuyển sang nhà ở xã hội, với vị trí đắc địa này, cộng với những ưu đãi cho nhà ở xã hội làm giá bán căn hộ giảm thêm khoảng 30% , căn hộ lại được phép chia nhỏ từ 25 đến 70 mét, sẽ khiến hàng tồn kho được giải phóng.
Ông Nguyễn Viết Trường, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hà Nội cho biết: “Việc chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là cách để doanh nghiệp tự cứu mình, tạo công ăn việc làm cho công nhân trong lúc này, giải phóng hàng tồn kho vì giá vài trăm triệu một căn sẽ hợp với nhiều người”.
Phần lớn các doanh nghiệp cho biết, đều nhận thấy lợi ích của việc chuyển đổi này. Tuy nhiên thời gian chuyển đổi là bao lâu là điều mà doanh nghiệp băn khoăn nhất...
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, trước đây doanh nghiệp đã từng xin chuyển đổi chính dự án này thành nhà ở xã hội, nhưng sau một năm thủ tục vẫn rắc rối nên doanh nghiệp đành phải bỏ cuộc chuyển về xây nhà ở thương mại.
Nói tới vấn đề tiến hành các thủ tục hành chính, ông Đinh Ngọc Sơn, Giám đốc ban quản lý dự án công ty xây dựng số 1 cho biết: “Tôi nghĩ thủ tục hành chính phải nhanh, nhưng phải cụ thể, nhanh là nhanh như thế nào, bao lâu, bởi nếu không doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội kinh doanh”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyên Trần Nam cũng thừa nhận, thủ tục hành chính sẽ quyết định thành công của giải pháp cứu thị trường này. Bởi vậy hơn lúc nào, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ và quan tâm của các địa phương .
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trường Bộ Xây dựng cho biết: “Các địa phương cần coi đây là hướng để cứu doanh nghiệp tại địa phương mình, phải cải cách nhanh thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.
Cũng theo Bộ Xây dựng, trong nghị định đang trình Chính phủ về nhà ở xã hội, sẽ có quy định về tỷ lệ nhà ở xã hội bắt buộc phải thực hiện tại các địa phương. Quy định này sẽ khiến các địa phương quan tâm hơn tới xu hướng chuyển đổi này.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương chỉ nên làm thủ tục hành chính trong tối đa là 6 tháng, để từ nay đến tháng 7, khi các chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội bắt đầu được thực thi, doanh nghiệp sẽ kịp tung nhà ở xã hội ra thị trường với giá giảm hơn.