Người tìm việc xếp hàng chờ vào hội chợ tuyển dụng ở Thượng Hải. (Ảnh: Xinhua)
Tình hình này được dự báo có thể tiếp tục kéo dài, gây ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 16 - 24 đã tăng từ mức 19,6% trong tháng 3 lên mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4. Với 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học chuẩn bị gia nhập lực lượng lao động trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Bên cạnh tiến trình phục hồi kinh tế không đồng đều hậu COVIDd-19, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc không đạt kỳ vọng trong tháng 4.
Các hoạt động kinh tế trong tháng 4 yếu hơn dự báo. Tốc độ tăng trưởng cao nhưng đó là nhờ cơ sở so sánh của năm 2022 ở mức thấp. "Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trẻ đã vượt 20%, đây là một tín hiệu đáng báo động", nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management, nhận xét.
Trong tháng 4, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ cơ sở so sánh thấp vào tháng 4/2022, khi số liệu này giảm tới 11,1% so với cùng kỳ 2021. So với tháng 3, doanh số bán lẻ tháng 4 giảm 7,8%.
Trong khi đó, sản xuất công nghiệp - thước đo hoạt động của lĩnh vực sản xuất, khai khoáng và tiện ích, cũng chỉ tăng 5,6% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2022.
Theo nhà kinh tế trưởng Louise Loo của Oxford Economics, 4 tháng sau khi mở cửa trở lại, kinh tế Trung Quốc phục hồi không đồng đều, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ từ trước và vẫn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Bà Loo cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao kỷ lục cũng gây ra những "rủi ro về kinh tế và xã hội" cho Bắc Kinh.
Vết sẹo do đại dịch COVID-19 gây ra và thị trường lao động trì trệ khiến niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc xuống thấp, dù doanh thu du lịch nội địa đã tăng vọt, đạt 101% so với mức trước đại dịch trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày từ cuối tháng 4.
Hiện giới chức Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực giúp giới trẻ tìm kiếm việc làm, bao gồm trợ cấp để khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều hơn, cung cấp chỗ ở miễn phí cho người lao động đang tìm việc tại một số thành phố lớn.
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn rất thận trọng trong việc thuê thêm người, lý do là bởi họ phải chịu áp lực về mặt lợi nhuận và không chắc chắn rằng việc thuê thêm người có giúp tài chính doanh nghiệp đi lên hay không.
Trước tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nhiều công ty thậm chí còn phải siết chặt các khoản chi cho nhân sự bằng việc giảm lương hay thậm chí là cắt giảm những thành viên đã gắn bó lâu năm.
"Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp gia tăng đôi khi còn đến từ việc kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, hoặc ngược lại, các ứng viên có trình độ học vấn cao hơn không tìm được môi trường việc làm phù hợp với bản thân", ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng tại đơn vị nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, nói.
Ông Wrigley cho rằng, sự phục hồi kinh tế một cách bền vững sẽ là liều thuốc tốt nhất hiện tại đối với tâm lý của các doanh nghiệp. Chính phủ chỉ cần thúc đẩy các cải cách, tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ tự động tạo ra nhiều việc làm hơn trong tương lai.
Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu kinh tế Trung Quốc Gavekal Dragonomics, ông Christopher Beddor nhận định: "Nền kinh tế Trung Quốc cần đủ mạnh và vững chãi nếu muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên trong nước". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng để làm được điều này, Trung Quốc sẽ cần thêm rất nhiều thời gian.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!