Đã gần 1 năm kể từ khi điện gió trên huyện đảo Phú Quốc đi vào hoạt động, nhưng đến nay, chưa hề có một cơ chế riêng cho việc hòa lưới điện Diezen và điện gió. Điều này khiến doanh nghiệp sản xuất điện gió phải đối mặt với khó khăn thu hồi vốn lên tới 335 tỷ đồng.
Ông Phạm Cương, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí Việt Nam cho biết: “Chúng tôi bán giá điện1.700đồng/1kw, nhưng mua vào sản xuất trước thuế lại là 6.647đồng/1kw, do đó doanh nghiệp liên tục lỗ”.
Người dân hạn chế dùng điện do giá điện quá cao. Điều này khiến phụ tải không đủ cho tuabin điện gió hoạt động, gây ra sự lãng phí khi tất cả các quạt gió đều ngừng quay. Khó khăn trở thành một vòng luẩn quẩn từ bất cập giá điện cao.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại cho rằng, giá điện cao do thực hiện theo quy định của luật điện lực. Theo đó, đơn vị quản lý bán điện có phương án báo cáo Bộ Công Thương và UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam nói: “Quy định giá điện mua bán độc lập theo quy định của Chính phủ, EVN không tự đặt ra giá bán. Lưới điện ngoài đảo được Cục điều tiết điện lực và UBND tỉnh phê duyệt”.
Cũng theo ông Lộc, tại các huyện đảo Phú Quốc, Phú Quý, Lý Sơn sản lượng điện gần 100 triệu kwh. Nếu mỗi năm đất liền trợ giá gần 600 tỷ đồng chia cho 100 triệu kwh điện thì đất liền chỉ trả thêm 5 đồng trợ giá cho 1 kwh điện sẽ công bằng giữa đất liền với huyện đảo.
Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra vẫn phải trông chờ vào sự xem xét và có quyết định từ phía Nhà nước. Như vậy, cho đến thời điểm này, chưa hề có lối thoát nào cho những bất cập về giá điện trên huyện đảo Phú Quý.