"Bật đèn xanh" cho vay tín chấp: Khó tạo thành cú hích tín dụng

Hoài Linh-Thứ hai, ngày 15/09/2014 17:22 GMT+7

Vay tín chấp được cho là hình thức chứa đựng nhiều rủi ro đối với ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, dù động thái của NHNN được coi là bật đèn xanh cho việc giải ngân không cần tài sản đảm bảo, nhưng khó có thể tạo thành một cú hích mạnh đối với tín dụng.

Đẩy mạnh cho vay tín chấp hay cho vay không cần tài sản đảm bảo, đang là một trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm tăng cường tốc độ giải ngân trong những tháng cuối năm. Với việc bật đèn xanh này của Ngân hàng Nhà nước, liệu tín dụng có bớt nghẽn hay không, đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Cho vay không cần tài sản đảm bảo là nghiệp vụ mà mọi ngân hàng đều triển khai. Nhóm Ngân hàng Quốc doanh có lợi thế về khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, tỷ lệ cho vay tín chấp có thể lên tới 30 - 40%. Nhóm ngân hàng cổ phần khó khăn hơn, do đối tượng khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy, tỷ lệ cho vay tín chấp chỉ khoảng 10 - 15%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, với hệ thống đánh giá tín nhiệm khách hàng theo chuẩn quốc tế, thì tỷ lệ cho vay tín chấp cao hơn hẳn, có thể lên tới 80%, đối với các khoản vay ngắn hạn.

Ông Phạm Hồng Hải - Phó TGĐ HSBC Việt Nam cho rằng vay tín chấp là một cách để đẩy mạnh giải ngân.

Trong khi đó, ông Tareq Muhmood - TGĐ ANZ Việt Nam khẳng định: “Thực tế hình thức cho vay tín chấp chứa đựng nhiều rủi ro hơn cho vay thế chấp, do vậy, nó đòi hỏi các ngân hàng phải hiểu được hoạt động kinh doanh của khách hàng, nắm được dòng tiền trả nợ của khách hàng”.

Việc Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp, đằng sau đó, được hiểu là các ngân hàng cần củng cố lại hệ thống đánh giá tín nhiệm của mình, để có thể chắt lọc khách hàng tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù động thái của Ngân hàng Nhà nước được coi là bật đèn xanh cho việc giải ngân không cần tài sản đảm bảo, nhưng khó có thể tạo thành một cú hích mạnh đối với tín dụng.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Fulbright phân tích: “Đối với ngân hàng cổ phần, lợi nhuận là yếu tố dẫn dắt. Chính vì thế, ngay khi có thể cho vay được, họ đã cho vay chứ không phải đợi đến khi NHNN khuyến khích hay thúc ép họ. Điều đó phản ánh tình hình kinh tế vẫn khó khăn, khả năng tạo ra dòng tiền đảm bảo việc trả nợ của các khách hàng vay vẫn khó”.

Chính các ngân hàng cũng chia sẻ, hiện những khoản cho vay tín chấp chỉ ưu tiên cho khách hàng cũ, những khách hàng có lịch sử tín dụng lành mạnh với ngân hàng. Cụ thể hơn, các nhà băng đều đang chọn con đường tín dụng chậm, nhưng an toàn hơn là giải ngân ồ ạt, mà rủi ro tăng. Và ngay cả trong trường hợp này, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng từ đầu năm tới nay, vẫn thấy rõ, nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn của các nhà băng, tiếp tục gia tăng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước