Bị áp thuế xuất khẩu, các doanh nghiệp xi măng nội lao đao

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 03/03/2017 10:57 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, quy định các sản phẩm hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản phải chịu thuế xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp xi măng lo lắng.

Nguồn cung xi măng dư thừa đã khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm trong nước của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đành phải tìm mọi cách để xuất khẩu lượng xi măng tồn đọng. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hiện nay cũng không hề dễ dàng.

Cách đây 6 tháng, quy định các sản phẩm hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản, cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% sẽ phải chịu 10% thuế GTGT đầu vào và 5% thuế xuất khẩu. Đa số các doanh nghiệp xi măng, clinker đột nhiên phải gánh thêm 15% thuế, khiến cho giá thành tăng cao, không thể cạnh tranh được với sản phẩm của các nước bạn.

Bù lỗ khi xuất khẩu là tình trạng chung của gần 100 doanh nghiệp xi măng hiện nay, khi bị áp cùng một lúc 2 loại thuế.

Hiệp hội xi măng cho biết, khi chưa áp thuế, việc xuất khẩu xi măng của Việt Nam đã gặp khó khăn, khi sản lượng đã liên tục giảm mạnh. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu tới trên 20 triệu tấn, trong khi năm 2016 chỉ đạt hơn 14 triệu tấn. Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt về giá với các sản phẩm xi măng của các nước bạn. Do vậy, việc áp thuế hiện tại sẽ càng tạo thêm khó khăn trong việc xuất khẩu xi măng. Một khi doanh nghiệp không thể xuất khẩu, nhà nước cũng khó mà thu được thuế.

Dự kiến năm 2020, sản lượng xi măng dư thừa sẽ vào khoảng 20 triệu tấn. Nếu không thể xuất khẩu, lượng xi măng dư thừa này sẽ quay trở lại trong nước, sẽ có nhiều doanh nghiệp bán phá giá, gây ra hỗn loạn thị trường và chuyện một số doanh nghiệp phá sản sẽ là điều khó có thể tránh khỏi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước