Theo thống kê, 37 tỷ tấn là lượng CO2 phát thải toàn cầu năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1900. Không đơn thuần là câu chuyện về môi trường, giảm phát thải - trung hoà carbon còn là mục tiêu chung hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Chuyển dịch xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp. Không một quốc gia nào có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - "Net Zero" nếu không có sự chuyển dịch cục bộ và toàn diện.
Việt Nam đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050 (Ảnh minh hoạ)
Đến nay, khoảng 140 quốc gia đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với 04 mục tiêu: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc công bằng.
Chiến lược xác định rõ, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải nhà kính để hướng tới mục tiêu cam kết Net Zero trong tương lai.
Không phải là cuộc chơi của "người giàu"
Phát biểu tại Toàn cảnh Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh", ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của VinFast khẳng định Net Zero không phải cuộc chơi cho "người giàu", mà là trách nhiệm của mỗi người, mỗi cá nhân.
Theo ông Morgan Donovan Carroll, mỗi người trong công ty VinFast đều đang cố gắng vì một môi trường xanh hơn, không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ tương lai, cho gia đình và con cháu chúng ta.
Ông Tô Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietjet nhấn mạnh Net Zero không phải là cuộc chơi mà là sứ mệnh
Cùng quan điểm, ông Tô Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietjet nhấn mạnh hiện nay Net Zero đang là xu hướng, đặc biệt là với ngành hàng không - lĩnh vực có tính chất đa quốc gia, quốc tế hoá với những chuẩn mực bắt buộc phải tuân thủ. Cho nên nếu chúng ta không đón đầu xu hướng sẽ gặp những khó khăn khi các quốc gia, khu vực khác đưa ra những quy định chặt chẽ hơn. Ví dụ như Tổ chức hàng không quốc tế năm 2016 đã chấp nhận chương trình giảm thải và bù đắp khi CO2. Còn năm 2020, Tổ chức các hãng hàng không quốc tế đã cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050.
"Do đó tôi nghĩ Net Zero không phải là cuộc chơi mà là sứ mệnh của các doanh nghiệp hàng không như Vietjet. Chúng ta phải chủ động và tích cực thực hiện cam kết này", Thắng nhấn mạnh.
Bữa cơm hàng ngày của mọi người đã bắt đầu đâu đó sự hiện diện tiêu cực từ biến đổi khí hậu
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành R&D của Vinamilk
Cho quan điểm về Net Zero, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk cho biết không phân biệt người giàu, người nghèo thì tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tác động lên tất cả mọi thành phần không chừa một ai. Theo dự báo từ giờ tới 2024, tác động của El Nino tới Việt Nam ngày càng tiêu cực hơn, đặc biệt cho khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
"Tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Bữa cơm hàng ngày của mọi người đã bắt đầu đâu đó có sự hiện diện tiêu cực này rồi. Tôi nghĩ Net Zero không phải là cuộc chơi xa xỉ của người giàu. Tôi nghĩ đây là một nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi về một cuộc tốt hơn và an toàn hơn cho tất cả mọi người", ông Khánh khẳng định.
Chuyển đổi xanh là chặng đường dài với nhiều khó khăn
Dù được đánh giá là xu thể tất yếu song tại Toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0". Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.
"Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra", ông Phớc nhận định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định chuyển đổi xanh là chặng đường dài với nhiều khó khăn
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại NSNN nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho NSNN; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Chuyển đổi xanh là chặng đường dài với nhiều khó khăn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên cần thực hiện.
Tăng trưởng xanh phải bình đẳng
Cung quan điểm về những khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng Net Zero là vấn đề phức tạp giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiểu phát triển bền vững, nhất là với các quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam.
"Mục tiêu Net Zero phải có sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức, tư duy hoạch định chính sách, lượng hóa chuyển đổi theo đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Tăng trưởng xanh phải bình đẳng, không ai bị bỏ lại phía sau
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc
Bà Ngọc cũng cho rằng một điểm nhấn nữa của tăng trưởng xanh là cân bằng và hiệu quả, theo đó chiến lược này nhằm thay đổi cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
"Đây là những lợi ích mang tính dài hạn. Chúng ta càng làm sớm, càng hiệu quả và rủi ro càng thấp. Chúng tôi đã lượng hóa, bổ sung chính sách, dự báo lượng CO2 phát thải theo kịch bản tối ưu và hiệu quả. Hạn chế phát thải khi chúng ta tăng trưởng nhanh cần các giải pháp công nghệ công trình và phi công trình", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh quan điểm tăng trưởng xanh phải đảm bảo sự bình đẳng
Theo bà Ngọc, về phía quản lý nhà nước, cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất kinh doanh. Khi xây dựng một trong những quan điểm xuyên suốt không phải là vị thế quốc gia mà là lợi ích ngắn hạn, dài hạn cho mỗi người dân.
"Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giảm bệnh tật, đem lại ích cho tất cả các đối tượng, trong đó nhóm yếu thế sẽ được hưởng lợi hơn hết", bà Ngọc nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!