Biến rơm rạ thành tiền

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 27/01/2023 14:25 GMT+7

VTV.vn - Sau da cá, vỏ tôm tạo ra hoạt chất, dược phẩm quý như chitosan, collagen, những cọng rơm cũng mang lại nhiều giá trị.

Phát triển nông nghiệp đa giá trị là chiến lược ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hướng tới một nền sản xuất bền vững. Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, giá trị của khâu sản xuất chỉ chiếm 12 - 13% giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, hơn 80% còn lại nằm ở các khâu khác. Việt Nam phải đưa nông nghiệp tiến mạnh ở những khâu đó. Phụ phẩm, từng được coi là rác, hoàn toàn là lĩnh vực có thể đem lại tiền tỷ với rất nhiều giá trị.

5 phút một cuộn, mỗi cuộn 25 kg, trong một ngày, chiếc máy có thể gom được hơn 500 cuộn rơm. Trung bình 1ha lúa sau thu hoạch sẽ để lại 12 tấn rơm. Sau thu gom, mỗi cuộn rơm có giá khoảng 30.000 đồng

Trừ đi chi phí nhân công, đặc biệt là tiền thuê máy mỗi ngày, những nông dân như anh Sang cũng thu được từ 2 - 3 triệu đồng. Mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long có 3 vụ lúa, doanh thu hàng chục triệu là chuyện không khó.

Biến rơm rạ thành tiền - Ảnh 1.

Lượng rơm rạ sau thu hoạch ở nước ta rất lớn, ước tính khoảng 60 triệu tấn/năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Rơm ở Đồng bằng sông Cửu Long rất là dồi dào, nhưng tôi thấy bà con đốt rơm rất là tiếc, nhưng biết làm sao bây giờ. Giờ mình không thay đổi ý thức của họ triệt để được thì mình thay đổi ý thức của bà con từ từ bằng cách mua rơm giá cao cho bà con để bà con thấy lợi nhuận và bán cho mình thì hai bên đều có lợi. 1ha khoảng 300 kg rơm. Một ngày máy có thể làm được 10ha, tương đương 30 tấn/ngày", anh Tạ Hoàng Sang, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, An Giang, cho biết.

Lượng rơm rạ sau thu hoạch ở nước ta rất lớn, ước tính khoảng 60 triệu tấn/năm. Còn lượng chất thải từ hoạt động sản xuất lúa chiếm tới 50% chất khô, nghĩa là cứ 1 tấn lúa, lượng phụ phẩm từ loại cây lương thực truyền thống này rơi vào khoảng 1 tấn, tương đương 10 - 12 tấn phụ phẩm 1 ha.

Ở miền Tây, để sở hữu một chiếc máy thu gom bánh xích, chi phí vào khoảng 400 triệu đồng. Từ nhiều năm qua, đây là ước mơ của anh Sang, nó sẽ cắt giảm được tiền thuê máy gần 3 triệu đồng mỗi ngày.

Thu được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, rơm từ đây được các thương lái khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu mua. Từ 5 năm qua, rơm rạ còn tạo nên một làng nghề mới ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ủ rơm, những bước đầu tiên nhưng cũng là quan trọng nhất trong quy trình sản xuất ra nấm. Sau 12 ngày, cây nấm sẽ phát triển.

Sau một đêm bận rộn, hàng trăm kg nấm sẽ được chuyển về các chợ ở trung tâm TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là điểm cuối trong vòng quay biến rơm rạ - những phụ phẩm, thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, giúp hàng vạn hộ dân đổi đời.

Đánh thức nông nghiệp đa giá trị Đánh thức nông nghiệp đa giá trị

VTV.vn - Các địa phương đang ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng: nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước