Lái xe ô tô đi gom "rác"
3 năm trước, anh Thái Khắc Tiến, sinh năm 1980, một kiến trúc sư ở Hà Nội từng lái chiếc xe 7 chỗ đi đến các trường học xin vỏ hộp sữa đã qua sử dụng. Thậm chí, anh còn lên mạng ngỏ lời xin rác công khai, khi đó anh đang làm dự án biến những vỏ hộp sữa đã qua sử dụng thành sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
"Tôi nhận thấy, lượng vỏ sữa thải ra môi trường ngày càng nhiều. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy ở một số nước, họ đã tái chế vỏ hộp sữa thành nhiều sản phẩm hữu ích, ứng dụng trong đời sống tốt nên tôi cũng muốn thử", anh nói.
Anh Thái Khắc Tiến đang vận chuyển sản phẩm tại xưởng.
Nghĩ là làm, là bắt tay vào thực hiện, anh Tiến bắt đầu hành trình bằng việc đi gom rác ở Hà Nội. Anh đăng ký với một số trường học ở gần nhà, xin được nhặt những vỏ hộp sữa bỏ đi hay từ những người quen, bạn bè, đồng nghiệp. Đồng thời, anh cũng mua, trang bị một số thiết bị, máy móc về nhà để tự sản xuất.
Sau nhiều lần nghiên cứu, sản phẩm đầu tiên của anh Tiến cũng ra đời. Tuy nhiên, anh lại chưa ưng ý về sản phẩm, anh muốn chúng phải hoàn thiện hơn. Vì vậy, anh đã cải tiến các thiết bị đã mua thành một cỗ máy ưu việt, để có thể làm ra những sản phẩm như anh kỳ vọng.
Chậu trồng hoa được tái chế từ vỏ hộp sữa.
"Tôi không muốn mọi người bỏ tiền ra mua sản phẩm tái chế chỉ mang tính ủng hộ, mà mua là để sử dụng, sánh ngang với các loại đồ dùng thông thường. Vì thế, sản phẩm đó ngoài thân thiện với môi trường thì vừa phải bền, đẹp và mang tính ứng dụng cao", anh cho hay.
Sau 3 năm, anh Tiến đã chế tạo ra những chiếc chậu đựng hoa, lót ly, lót cốc vô cùng đẹp mắt. Khách hàng chỉ cần bỏ ra 5.000 - 10.000 đồng là đã có thể sở hữu một vật dụng nhỏ, còn sản phẩm có kích thước lớn, có độ cầu kỳ cao thì khách hàng phải chi trả từ 300.000 - 400.000 đồng.
Theo ước tính của anh Tiến, hàng nghìn sản phẩm tái chế từ những vỏ hộp sữa đã đến tay khách hàng.
4 tỷ đồng mở xưởng sản xuất
Để hiện thực tiếp giấc mơ, anh Tiến đã quyết "xuống tay" 4 tỷ đồng để đầu tư, mở xưởng sản xuất. Trong đó, 2 tỷ đồng, anh dùng để mua trang thiết bị, máy móc, đồ dùng, số tiền còn lại là thuê nhà xưởng, nhân công vận hành. Anh vẫn tiếp tục đi gom "rác" nhưng ở cấp độ lớn hơn, quy mô rộng hơn để đáp ứng năng lực sản xuất của xưởng.
"Ngoài việc đi nhặt vỏ hộp sữa ở Hà Nội, tôi còn mở điểm thu nhận ở các tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Khi các điểm đủ số lượng, tôi sẽ thuê xe chở về xưởng. Theo ước tính, một ngày, nếu xưởng làm hết công suất có thể tái chế được 3 tấn vỏ hộp sữa", anh thông tin.
Những chiếc lót ly, lót chén tái chế.
Anh Tiến chia sẻ, việc bỏ ra 4 tỷ đồng để mở xưởng chính là bước đi lâu dài, chứ không chỉ dành cho hiện tại. Bởi khi vận hành, anh nhận thấy máy móc có thể làm được nhiều việc, năng suất hơn sức người rất nhiều. Đây cũng chính là lý do anh bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu, chế tạo máy móc.
"Nói đơn giản là việc làm sạch vỏ hộp sữa, tưởng dễ mà hóa ra khó. Bởi hầu hết vỏ hộp đều kín, khi để lâu ngày việc súc, rửa vô cùng khó khăn. Do đó, tôi đã dùng máy làm hết, mọi người chỉ đứng điều khiển thôi. Đó là lý do tại sao xưởng tôi ban đầu có 10 nhân công, nay chỉ cần 3 - 5 nhân công là có thể vận hành", anh kể.
Với mong ước đưa sản phẩm đi xa hơn, mỗi khi sản phẩm hoàn thành, anh Tiến đều mang đi kiểm nghiệm. Anh quan niệm, mỗi một sản phẩm tạo ra phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như an toàn kim loại nặng, nồng độ formaldehyde, chỉ tiêu cơ lý. Vì theo anh, chỉ có làm thế, chúng mới có thể đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm khác trong ngành.
Chinh phục những thử thách
Sau khi hoàn thiện sản phẩm, bài toán tiếp theo anh Tiến phải giải là hàng sản xuất ra được rồi thì ai sẽ mua sản phẩm và bán với giá bao nhiêu, số lượng bao nhiêu thì mới có lãi. Thực tế hiện nay, các sản phẩm tái chế vẫn chưa thu hút được đông đảo người tiêu dùng.
"Theo tôi, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa quen các sản phẩm tái chế, cho nên khi đứng giữa nhiều sự lựa chọn, họ chọn theo cái phổ biến, được mua nhiều. Thứ hai, muốn cạnh tranh được, ngoài mẫu mã đẹp, công năng tốt, giá thành vẫn là yếu tố tiên quyết", anh trăn trở nói.
Các chương trình thu gom vỏ hộp sữa.
Ngoài ra, anh Tiến cũng nhận thấy, nếu chỉ sản xuất tấm lót ly, chậu hoa thì quy mô xưởng sẽ nhỏ. Cho nên, anh đang nghĩ đến chuyện sẽ mở rộng sang việc làm các tấm sàn, vách ốp để ứng dụng vào xây dựng, nội thất.
"Nếu không có dịch COVID-19, theo dự kiến, năm nay, chúng tôi sẽ đàm phán với một số đối tác trong việc hợp tác, tiêu thụ sản phẩm. Tôi chủ định sẽ tập trung bán buôn, qua kênh phân phối và đại lý. Làm như vậy, tôi sẽ không phải ôm đồm quá nhiều việc và có thời gian cho nghiên cứu, sản xuất mới. Tuy nhiên, dịch bệnh đang khiến mọi thứ phải dừng lại và tôi cũng phải tính toán lại kế hoạch cho hợp lý hơn", anh nói.
Các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa trông khá chắc chắn và đẹp.
Trong thời gian sắp tới, để đầu vào sản phẩm ổn định, anh Tiến dự định sẽ không đi xin "rác" như trước mà chuyển sang mua. Theo anh, cách làm này sẽ khiến nguồn nguyên liệu dồi dào, không bị tác động hay phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Anh Tiến thừa nhận, với số tiền 4 tỷ đồng bỏ ra đầu tư, hiện nay, anh vẫn đang lỗ. Nhưng anh luôn tin và lạc quan rằng, "rác" vẫn có thể đẻ ra "tiền" nếu anh kiên trì, quyết tâm dù mọi thứ phía trước vẫn còn nhiều gian nan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!