Bộ Công Thương cần tập trung cao cho Quy hoạch điện VIII, bảo đảm hiệu quả nhất

Theo VGP News-Chủ nhật, ngày 09/01/2022 15:15 GMT+7

VTV.vn - Sáng 9/1 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Công Thương cần tập trung cao cho Quy hoạch điện VIII, bảo đảm hiệu quả nhất - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, ông đã có tới 20 cuộc họp, làm việc cùng Bộ Công Thương về Quy hoạch điện VIII. "Đây là vấn đề lớn mà chúng ta cần tập trung chỉ đạo". Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Điểm sáng ngành Công Thương

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2025, Việt Nam là nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, tạo tiền đề quan trọng để đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; trong đó "ngành Công Thương được trao sứ mệnh quan trọng để thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng của đất nước", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Bộ trưởng, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng của toàn ngành.

Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD.

Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của ngành trong năm qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết thêm, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, IIP cả năm 2021 tăng 4,8% so với năm 2020.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, "vai trò trụ đỡ nền kinh tế của ngành nông nghiệp trong năm 2021 là nhờ chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành kịp thời, xuyên suốt của ngành Công Thương".

Nêu rõ việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản nhằm tận dụng các FTA, ông Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng các đề án xuất khẩu nông sản sang từng thị trường có tiềm năng. "Chúng tôi đang dự thảo đề án theo đề xuất của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở các thị trường nước ngoài. Đề án tiếp cận theo hướng từ chuẩn hóa vùng nguyên liệu theo quy định kỹ thuật của từng thị trường, thành lập liên minh các doanh nghiệp xuất khẩu, liên minh doanh nghiệp logistics và địa phương có vùng nguyên liệu". "Nếu đi từng chuyến hàng, từng doanh nghiệp thì chi phí tốn kém nhiều, cạnh tranh về logistics rất khó khăn, nếu đi cùng chuyến tàu, thì chi phí logisitc giảm, nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam".

Bày tỏ ấn tượng về các con số kim ngạch thương mại, tăng trưởng công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết thêm, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là 2 nước có số lượng FTA nhiều nhất. Nhờ đó, trong bối cảnh khó khăn vừa qua, xuất khẩu sang các thị trường FTA ở mức cao (Trung Quốc tăng 15%, Hoa Kỳ tăng 24,2%; EU tăng 14%, theo báo cáo của Bộ Công Thương).

Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành trong việc thúc đẩy triển khai các cam kết mới trong các FTA, để quảng bá các hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Là tỉnh có vai trò là một trong những động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,51%; đặc biệt thu ngân sách lần đầu tiên chạm mốc 18.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Giá trị xuất khẩu công nghiệp đạt 844.000 tỷ đồng, tăng 7,7%, đứng thứ 4 cả nước. Về thu hút đầu tư, tỉnh quyết tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, "cái gì càng khó, càng phức tạp thì càng công khai, minh bạch, càng nhiều người biết càng tốt", lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên nói. Nhờ đó, tỉnh thu hút nhiều tập đoàn lớn, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Hiện toàn tỉnh có 170 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 9,67 tỷ USD và trên 800 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký 143.000 tỷ đồng.

Về bài học kinh nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ, tỉnh quán triệt phương châm "luôn chủ động nhưng tuyệt đối không được chủ quan, nóng nhưng tuyệt đối không được vội, nhanh nhưng tuyệt đối không được ẩu".

Bộ Công Thương cần tập trung cao cho Quy hoạch điện VIII, bảo đảm hiệu quả nhất - Ảnh 2.

Nhân dịp này, với sự tham dự của nhiều hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty thuộc ngành công thương, trong đó có hệ thống siêu thị lớn, Phó Thủ tướng đề nghị hỗ trợ bà con nông dân trong tiêu thụ nông sản. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Nỗ lực vượt bậc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, Bộ Công Thương là bộ đa ngành, quản lý nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối, bao gồm cả xuất nhập khẩu. Nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa; nhiều loại hình giao thông, cửa khẩu tạm dừng hoạt động,…

"Với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành công thương đã từng bước vượt qua thách thức và đã đạt được những kết quả quan trọng", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cho rằng các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đạt được kết quả quan trọng, một số ngành có kết quả nổi bật, Phó Thủ tướng đề cập đến 2 ngành trọng điểm, là động lực chính của nền kinh tế. Trước hết là ngành điện. Năm 2021, ngành điện đã thực hiện tốt việc cung ứng đủ điện bảo đảm an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đã hoàn thành đưa vào vận hành 7.317 MW điện, nâng tổng công suất của hệ thống điện quốc gia đạt 77.982 MW, tăng 11% so với cùng kỳ.

Thứ 2 là ngành dầu khí. Trong năm qua, ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch từ 1 đến 3 tháng. Sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,87 triệu tấn, vượt kế hoạch 1,15 triệu tấn. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 618.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 26%; nộp ngân sách nhà nước đạt 112.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 61%; lợi nhuận trước thuế đạt 41.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 145%,…

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tập trung quyết liệt tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ; điển hình là nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được chỉ đạo sát sao trong việc kiện toàn bộ máy, bảo đảm nguồn lực tài chính, kịp thời giải quyết các thủ tục. Sau khoảng 5 tháng dự án đã có chuyển động rất tốt.

Tiếp tục điểm lại các mặt nổi bật của ngành công thương, Phó Thủ tướng nêu rõ, trong quý III/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp từ chỗ -3,5%. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng cao (đạt 6,5%) trong quý IV/2021, đặc biệt là tháng 12/2021 đã tăng trưởng 8,7%, giúp cho kết quả cả năm tăng trưởng 4,82%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra các khó khăn, hạn chế của ngành như: Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm; cơ chế điều hành giá điện (đặc biệt giá FIT đối với các dự án năng lượng tái tạo), vấn đề điều độ hệ thống điện còn bất cập.

Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản, ảnh hưởng tới việc làm, đời sống của người lao động.

Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của một số tập đoàn, doanh nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức tiểu ngạch, rủi ro lớn cho người sản xuất. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả còn diễn biến phức tạp.

Bộ Công Thương cần tập trung cao cho Quy hoạch điện VIII, bảo đảm hiệu quả nhất - Ảnh 3.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

"Làm chắc, làm kỹ" Quy hoạch điện VIII

Thống nhất với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã nêu trong Báo cáo của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ, ngành công thương cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Nói rõ thêm về công tác xây dựng quy hoạch, Phó Thủ tướng cho biết, ông đã có tới 20 cuộc họp, làm việc cùng Bộ Công Thương về Quy hoạch điện VIII. "Đây là vấn đề lớn mà chúng ta cần tập trung chỉ đạo", Phó Thủ tướng nói. Sau nhiều lần rà soát lại quy hoạch thì thấy có nhiều vấn đề còn bất cập như phân bổ nguồn điện chưa hợp lý, dẫn tới vốn đầu tư cho hệ thống truyền tải điện rất lớn. Trên cơ sở rà soát lại, đã cắt giảm đi 13 tỷ USD đầu tư cho đường dây.

Vấn đề nữa là cơ cấu nguồn điện chưa phù hợp, cần tiếp tục rà soát, trên tinh thần tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, giảm điện than. Trong năng lượng tái tạo, sẽ phát triển điện mặt trời ở một tỷ lệ phù hợp hơn bởi nguồn điện này còn có mặt hạn chế. Nếu đưa vào hệ thống quá nhiều điện mặt trời thì phải giảm điện từ các nguồn khác, dẫn tới nguy cơ sụt công suất. "Quy hoạch này năm nay phải tập trung làm, không để chậm quá nhưng phải làm chắc, kỹ càng, bảo đảm hiệu quả nhất, tránh tình trạng đầu tư không hợp lý về đường dây, cơ cấu nguồn điện".

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông, lâm, thủy sản,.….

Ngành điện lực và các đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội. "Không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Rà soát lại các phương án tính toán, quy định về điều độ hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả chung, tổng thể của toàn bộ nền kinh tế. Đẩy mạnh việc xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế chính sách về thị trường điện cạnh tranh, cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo để vừa bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26.

Cần tiếp tục tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí, tối ưu hóa quy trình công nghệ, tiết giảm chi phí, hạ giá thành; tăng thu ngân sách nhà nước.

Dự báo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có biến động khó lường. Vì vậy, ngành công thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các FTA mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam -Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các bộ, ngành đại phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Nhân dịp này, với sự tham dự của nhiều hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty thuộc ngành công thương, trong đó có hệ thống siêu thị lớn, Phó Thủ tướng đề nghị hỗ trợ bà con nông dân trong tiêu thụ nông sản.

"Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối,….nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số", Phó Thủ tướng nói.

Cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, ngành công thương cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật để có giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước