Bộ Công Thương: Doanh nghiệp đầu mối thua lỗ gây thiếu hụt xăng dầu

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 12/10/2022 16:31 GMT+7

(Ảnh minh hoạ)

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, việc thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp đầu mối đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng

Những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung ở một số tỉnh, thành phố phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương…

Lý giải về hiện tượng này, tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương vào chiều nay, theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hướng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

“Trong quý II, các doanh nghiệp dầu mối kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh nhập khẩu. Đây là giai đoạn giá xăng dầu đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên sang quý III, giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm. Theo xu hướng này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng”, ông Đông cho biết.

Trước đó, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO, so với Quý II/2022. Đáng nói, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu.

Theo ông Đông, do thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh. 

Bộ Công Thương: Doanh nghiệp đầu mối thua lỗ gây thiếu hụt xăng dầu - Ảnh 1.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Ảnh: Tiến Tuấn)

Ngoài ra cũng theo Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, việc tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá hối đoái giữa USD và VNĐ tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến đầu mối không đủ tài chính để nhập hàng với khối lượng như trước, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Bên cạnh đó, chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao trong khi chi phí này chưa tính đủ vào giá cơ sở do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu để giảm thua lỗ. Cùng với đó, một số doanh nghiệp đầu mối phía Nam bị tước giấy phép trong khoảng 1-1,5 tháng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Thêm vào đó, việc mưa bão ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng từ nhà máy sản xuất trong nước, từ đó làm chậm nguồn cung hàng.

Kiến nghị giảm thuế

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết Bộ sẽ kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt). Đồng thời rà soát gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để đảm bảo tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm quy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bộ cũng sẽ đề nghị 2 nhà máy lọc dầu giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp đầu mối đang gặp khó khăn về nguồn cung, bán hàng tại khu vực thiếu hàng cục bộ.

Đặc biệt, tăng sản lượng sản xuất xăng cho thị trường trong nước. Bộ Công Thương sẽ rà soát nhập khẩu, tổng nguồn và có phân giao phù hợp cho thương nhân đầu mối trong quý IV. Kết hợp rà soát sửa đổi trong việc điều hành giá xăng dầu như tăng quyền cho doanh nghiệp đầu mối, tăng thời gian điều hành, quyền của công ty con về vấn đề phân phối. Bộ cũng sẽ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thông quan, nhập khẩu hàng hóa, đồng thời cho xe chở xăng dầu được lưu thông giờ cao điểm.

Nhìn thẳng vấn đề để có biện pháp xử lý

Thông tin thêm về thị trường xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh vấn đề nguồn cung xăng dầu hiện rất quan trọng, cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Theo ông Hải, từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu. 

"Trong bối cảnh đó, đến giờ này, chúng ta đã rất cố gắng, cơ bản đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân", ông Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Bộ Công Thương: Doanh nghiệp đầu mối thua lỗ gây thiếu hụt xăng dầu - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể cả nước có 17.000 cửa hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết vừa qua có hiện tượng một số cửa hàng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, để có con số cụ thể cần phải thực hiện thống kê chính xác. 

"Dù có bao nhiêu cửa hàng, thì trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan đều phải nhìn thẳng vấn đề để có biện pháp xử lý, giải quyết. Dù một cửa hàng cũng là vấn đề phải giải quyết", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước