Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Thủ tướng Chính phủ đã ban hàng Chỉ thị 06, đôn đốc các nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới. Đặc biệt, liên quan tới thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đưa ra đề xuất về giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới. Thời hạn là ngay trong quý 1 này.
Trước đó vào cuối năm 2023, Thủ tướng cũng đã có Công điện chỉ đạo Ngân hàng nhà nước cùng về nội dung này. Giá vàng trong nước đã tăng khá mạnh từ quý 4 năm ngoái và có thời điểm lên tới 80,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới tới 20 triệu đồng/lượng.
Không thể phủ nhận Nghị định 24 đã góp phần quan trọng trong việc chống vàng hóa, chống USD hóa nền kinh tế, và nâng cao giá trị tiền đồng giai đoạn 2012. Nhưng sau hơn 10 năm, khi kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát, thì nhiều ý kiến đề xuất cần sửa đổi Nghị định 24 theo hướng thị trường hơn, giúp cung và cầu vàng gặp nhau.
Giải bài toán cung cầu vàng tạo cân bằng giá
Nghị định 24 quy định Ngân hàng nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng miếng, nhưng từ 2014, không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng. Do đó, khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế, đẩy giá vàng SJC có thời điểm cao hơn đến 20 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác. Kéo theo đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng cũng gặp khó khi tìm vàng nguyên liệu.
"Việc nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng hiện nay cũng có thể cân nhắc giao thêm cho các doanh nghiệp khác, những doanh nghiệp có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn. Việc này cũng giúp cho giá vàng SJC, giá vàng miếng có thể ổn định hơn, hạn chế việc chênh lệch giá vàng SJC so với giá vàng thế giới rất cao như giai đoạn vừa qua", ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải nhận định.
Theo các chuyên gia và giới kinh doanh vàng, sửa đổi Nghị định 24 theo hướng tăng cung và bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC là điều cần xem xét. Bởi vàng thương hiệu nào, cùng hàm lượng vàng, thì bản chất không có sự khác biệt.
Ông Lâm Minh Chánh - Chuyên gia tài chính, Chủ tịch học viên BizUni nhận định: "Giải pháp là cứ để cho cung cầu gặp nhau, nghĩa là chúng ta cứ cho nhập vàng về. Khi chúng ta cho nhập vàng về và cho thị trường lưu thông thì giá vàng Việt Nam sẽ tăng theo nhịp của giá vàng thế giới.".
"Bây giờ là cơ hội nó đến để chúng ta làm được hai điều. Một là bỏ độc quyền về vàng của Ngân hàng trung ương, Ngân hàng trung ương có thể quản lý vàng theo một cách khác. Có thể quản lý thông qua các công ty được phép xuất nhập khẩu vàng. Thứ hai là Ngân hàng trung ương có thể quản lý qua việc mình là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng vì Ngân hàng trung ương có thể mua vàng để dự trữ và thậm trí có thể bán vàng dự trữ ra để cân bằng thị trường", Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết.
Sau hơn 10 năm quản lý theo Nghị định 24, các chuyên gia cho rằng, thay đổi về quản lý thị trường vàng, lúc này là phù hợp. Việc dùng USD để nhập vàng về, chỉ đơn giản là thay đổi trạng thái ngoại hối của nền kinh tế.
Trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế nên dù cầu không tăng thì giá vàng trong nước vẫn biến động theo chiều hướng tăng. Do đó rất cần xem xét trả lại tính thị trường cho loại hàng hóa đặc biệt này. Nhất là trong bối cảnh biến động của giá vàng đã không còn nhiều tác động đến kinh tế vĩ mô.
Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được ra đời với sứ mệnh chống vàng hóa nền kinh tế. Sau hơn 10 năm, thói quen, hành vi của thị trường đã thay đổi. Không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua bán mỗi lần giá vàng biến động nữa nhưng cũng có hạn chế đã bộc lộ. Do đó, theo các chuyên gia, ngoài việc cân đối cung cầu, thì nên cân nhắc, ứng xử với vàng như 1 loại hàng hóa đặc biệt, giống như với bạc, hay đồng.
Ứng xử với vàng như 1 loại hàng hóa
Trong bối cảnh vĩ mô ổn định, những diễn biến gần đây khi thị trường vàng cho thấy, khung pháp lý với kinh doanh vàng, đã bộc lộ nhiều hạn chế. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần xem xét cách ứng xử với vàng, mở cửa thị trường và ứng xử với vàng như một loại hàng hóa đặc biệt.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng: "Thả thị trường không có nghĩa là buông mà anh phải dùng công cụ thuế để điều tiết. Vàng trang sức giao dịch 0,1% thôi, đưa vàng vào danh mục đánh thuế, cái đó là cái mà chúng ta phải làm. Những giao dịch có tính chất đầu cơ, mua vàng miếng để tích trữ, mua vàng miếng không phải để làm trang sức, không ai đeo vàng miếng, thì đó là hoạt động đầu cơ, chúng ta phải đánh thuế".
Bên cạnh việc tăng nguồn cung, thì khôi phục lại việc giao dịch vàng tài khoản, cũng góp phần giảm bớt nhu cầu mua vàng vật chất. Theo các chuyên gia, khi giảm bớt nhu cầu mua vàng vật chất, thì cũng giúp giảm sự luân chuyển dòng ngoại hối. Qua đó, giảm sức ép lên tỷ giá. Nhưng quan trọng, là có cơ chế quản lý vận hành.
"Chúng ta xem xét Nghị định 24 nếu có sửa, có thể tạo ra một sân chơi cho các nhà đầu tư thông qua các hoạt động là tạo nên các sàn giao dịch vàng tài khoản. Thực tế quá khứ ở Việt Nam đã từng có những sàn như vậy. Hình thức giao dịch đấy phần nào nó sẽ giải quyết được cái tình trạng khan hiếm do việc tích trữ vàng trên thị trường thời gian qua", Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết.
Do vậy, việc quản lý đối với loại hàng hóa đặc biệt này sẽ không phải là trách nhiệm của riêng Ngân hàng Nhà nước, mà cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, "Trong quý I, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương tổng kết Nghị định 24 và đề xuất các giải pháp quản lý thị trường vàng theo hướng hiệu quả và phù hợp với tình hình mới".
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tích cực xem xét và lấy ý kiến của các Bộ ngành, để đưa ra phương án sửa đổi Nghị định 24 trong quý I này, như chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Chính phủ.
Việc sửa đổi Nghị định 24, có độc quyền vàng miếng SJC cần thiết hay không sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý cân nhắc. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng vẫn phải đạt được là ổn định thị trường vàng, ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong mua bán, tích luỹ vàng. Thị trường vẫn đang chờ đợi báo cáo chính thức từ phía Ngân hàng nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!