Gần đây, một số báo có phản ánh kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Kế hoạch Đầu tư về hai dự án giao thông được xây dựng theo hình thức BOT có dấu hiệu khai khống tổng mức đầu tư để tăng thời gian thu phí hoàn vốn. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, thông tin này là không chính xác bởi theo quy định, số năm thu phí của một dự án chỉ được tính sau khi dự án đó đã được quyết toán. Trong khi thực tế cả hai dự án này đều chưa được quyết toán, thậm chí một dự án còn đang thi công. Số tiền chênh của dự án BOT Nghi Sơn, Cầu Giát mà hiện nay dư luận đang đặt câu hỏi lại chính là kết quả của việc công trình đã vượt tiến độ.
Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát theo dự toán ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, được đưa vào khai thác từ tháng 10/2015 (sớm hơn gần 1 năm rưỡi so với kế hoạch ban đầu). Việc đẩy nhanh tiến độ cũng có nghĩa là hơn 700 tỷ đồng chi phí dự phòng cho việc trượt giá vật liệu và gần 276 tỷ đồng tiền lãi của khoản vốn vay trong thời gian đó cũng không cần phải sử dụng đến. Kéo theo đó sẽ giảm được một loạt các chi phí khác như nhân công, quản lý... mà theo chủ đầu tư, nếu tính toán chi li thì đem lại cho xã hội khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4, cho biết: “Phương án tài chính ban đầu đưa ra lãi suất trung hạn nhưng trong quá trình thực hiện, việc theo lãi suất ngân hàng cũng có thể giảm, khi quyết toán giá trị dự án có thể được giảm xuống”.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án BOT chỉ có giá trị trong đàm phán với nhà đầu tư để tạm tính thời gian hoàn vốn. Còn theo quy định, khi dự án được quyết toán vào tháng 11/2015 thì giá trị quyết toán đó mới là con số cuối cùng để tính ra số năm thu phí. Vì thế, sự chênh lệch giữa mức đầu tư ban đầu và giá trị quyết toán cuối cùng là hoàn toàn bình thường đối với các dự án giao thông về đích sớm, càng về đích sớm thì càng tiết kiệm chi phí.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, nói: “Hiện tạm quyết toán giá trị khoảng hơn 3.000 tỷ đồng (giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu). Cuối năm nay sẽ quyết toán thì con số đó mới dùng để tính toán thu phí với nhà đầu tư hiện nay. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án này sẽ giảm được rất nhiều vì rút được tiến độ 18 tháng, đồng thời các chi phí dự phòng và các chi phí khác giảm tối đa nên tiền chênh đối với tổng mức ban đầu là khá lớn”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án khiến các chi phí của dự án giảm xuống chính là nguyên nhân giảm tổng mức đầu tư của dự án so với dự toán ban đầu. Hiện Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo các dự án BOT phải đẩy nhanh tiến độ để giảm tối đa chi phí, trên cơ sở đó giảm tổng mức đầu tư ban đầu. Như vậy, từ nay về sau, đối với các dự án BOT, tổng mức đầu tư và quyết toán sẽ có chênh lệch là điều tất yếu.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!