Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn đang phải gánh chịu.
Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra vào sáng nay (26/9)
Tuy nhiên theo ông Dũng việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp.
“Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh”, ông Dũng phản ánh.
Trên quan điểm của sống chung lâu dài với dịch bệnh, để có thể vừa phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái "bình thường mới" và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
“Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế”, ông Dũng nêu quan điểm.
Kiến nghị tự xét nghiệm, tự khai báo, tự chịu trách nhiệm
Liên quan đến hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái "bình thường mới", Bộ KH&ĐT đã tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp về các biện pháp y tế và hệ quả nhằm bảo đảm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Cụ thể các kiến nghị gồm:
+ Cho phép người dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội trừ hoạt động tập trung đông người khi có xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, 5 ngày đối với người đã tiêm 1 mũi, 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.
+ Tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm, tự khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia, tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với khai báo của mình.
+ Chính phủ quán triệt các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, vận chuyển, sau tuyến đầu chống dịch, người già và người có bệnh nền.
+ Hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đề sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ Xem xét, đánh giá và có quy định lại về quy trinh "3 tại chỗ" do chi phí tốn kém, bên cạnh đó quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng ương quá trình thực hiện
+ Xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để phòng chống dịch, tăng cường trang thiết bị và năng lực cho cán bộ y tế cơ sở.
+ Hướng dẫn và trao quyền chủ động cho địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như công tác phòng chống dịch cho các tồ chức/doanh nghiệp; không cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới
Cần giữ chân người lao động
Bên cạnh đề xuất hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái "bình thường mới", trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Cùng với đa là rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.
Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng thời điểm hiện tại cần quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý. Ngoài ra, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu….
“Chúng ta cần lưu ý, trong khủng hoảng, công nghệ, thiết bị thường rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm thông thường, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Dũng gợi ý.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!