VCCI: Doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng nữa

Thuỳ An-Chủ nhật, ngày 26/09/2021 11:05 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh sự khó khăn của các doanh nghiệp trước tác động của COVID-19.

90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng động doanh nghiệp, diễn ra vào sáng nay (26/9), Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường. Như vậy trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

VCCI: Doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng nữa - Ảnh 1.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công

Theo ông Công, với việc giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh thành trong 4 tháng qua đã tác động tiêu cực đến tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

“Với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40-50%.

Với các doanh nghiệp ngành gỗ, đã có trên 50% số doanh nghiệp ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản…”, ông Công thông tin.

Theo Chủ tịch VCCI, về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Như vậy, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.

VCCI: Doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng nữa - Ảnh 2.

Tỷ lệ doanh nghiệp đã phải cho thôi việc người lao động do ảnh hưởng bởi COVID-19

Chủ tịch VCCI cho biết theo khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng). 

“Các khó khăn, vướng mắc cho các DN trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là vô cùng nhiều, vô cùng lớn”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Giãn cách mãi, doanh nghiệp sẽ sụp đổ

Cũng trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “Zero Covid”, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ. 

“Tình hình đã thay đổi, chúng ta cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch”, ông Công nêu quan điểm.

Trên quan điểm sống chung với dịch bệnh, Chủ tịch VCCI đề xuất 2 chủ trương mới.

Thứ nhất, theo ông Công cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.

“Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp”, ông Công đề xuất.

Thứ hai, ông Công nhấn mạnh mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Để làm được điều này cần có chủ trương, nhận thức và quyết tâm thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

VCCI: Doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng nữa - Ảnh 3.

Chủ tịch VCCI đề xuất cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp

Theo Chủ tịch VCCI, để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 ngày 23/9/2021.

Đồng thời, ông Công nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là thứ nhất, vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết.

“Nói ngắn gọn, vaccine là chìa khoá, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vaccine. Thứ hai, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường”, Chủ tịch VCCI nhận định.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước