Chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tiễn
Bộ Tài chính vừa chính thức lấy ý kiến về việc dự thảo Tờ trình quyết định bãi bỏ Quyết định số 78 áp dụng từ năm 2010. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bán qua chuyển phát nhanh.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bán qua chuyển phát nhanh, nhằm tránh thất thu thuế, phù hợp thực tế.
Bộ Tài chính cho biết, chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ được áp dụng theo Quyết định 78/2010 của Chính phủ, trong khi Luật thuế giá trị gia tăng không đề cập vấn đề này. Đây là quyết định được Chính phủ thực hiện theo cam kết Công ước Tokyo.
Theo đó, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là dưới một triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào. Còn quà biếu, tặng cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế xuất, nhập khẩu.
Bộ Tài chính đề xuất thu thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ qua chuyển phát nhanh. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, gần đây nhiều nước như Anh, Australia, Thái Lan, Singapore… cũng bãi bỏ quy định không thu thuế VAT đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Cụ thể, các nước trong EU cũng đã xóa bỏ quy định miễn thuế VAT với các lô hàng từ 22 euro trở xuống. Vương quốc Anh cũng bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ ngày 01/01/2021. Tương tự tại Singapore, từ ngày 01/01/2023 cũng bắt đầu bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa trị giá thấp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử…
Theo Bộ Tài chính, chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh được ban hành từ năm 2010, khi hệ thống khai báo hải quan chỉ thuần túy thực hiện theo thủ công. Khi đó, việc miễn thuế VAT đối với hàng nhập khẩu trị giá khai hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống đã giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm bớt số lượng hàng phải khai nộp thuế. Tuy nhiên, đến nay chính sách này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn do thương mại điện tử thế giới cũng như ở Việt Nam đã và đang tăng trưởng rất nhanh qua các năm.
Đảm bảo công bằng, tránh thất thu thu thuế
Theo Bộ Tài chính, việc bãi bỏ chính sách miễn thuế sẽ đảm bảo công bằng, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.
"Đồng thời việc bãi bỏ chính sách này góp phần bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Như năm 2023, tổng giá trị hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập vào qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỉ đồng.
Khi bãi bỏ chính sách này, trường hợp hàng hóa có thuế suất VAT 10% thì số thu ngân sách sẽ tăng khoảng 2.700 tỉ đồng" - Bộ Tài chính ước tính.
Nhà chức trách cũng đánh giá quy định mới có thể làm tăng thủ tục kê khai thuế với hàng giá trị nhỏ. Nhưng hệ thống công nghệ thông tin về quản lý hải quan tại các cảng, kho bãi đã hoàn thiện, cải thiện năng lực thông quan nên việc quản lý với hàng nhập qua chuyển phát nhanh, gồm hàng giá trị nhỏ, sẽ được tiến hành tập trung và nhanh chóng, không bị gián đoạn.
Liên quan đến việc thu thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu qua chuyển phát nhanh, ngày 26/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Cũng trong ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Tại Công điện, Thủ tướng đánh giá hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước. Việc này ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính cùng nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt với những hàng hóa này.
Theo số liệu của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, hằng ngày đang có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Hằng ngày trung bình có 45-63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế VAT.
Báo cáo về thương mại điện tử 9 tháng đầu năm 2024 của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric cho thấy, các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam; người Việt chi 1 tỉ USD mua hàng online mỗi tháng. Như vậy Việt Nam đang thất thu thuế đối với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!