Giám sát chặt chẽ các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá
Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng, do đó để hạn chế giá cả hàng hóa tăng theo, Bộ Tài chính cho biết cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.
Ngoài ra, chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá.
"Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ Tài chính cho biết cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường. Ảnh minh họa.
Theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ xây dựng, đề xuất
Bộ Tài chính cũng cho biết, đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.
"Đồng thời tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm", Bộ Tài chính thông tin.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, phải chú trọng thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Bộ Tài chính đưa ra một loạt giải pháp nhằm ổn định mặt bằng giá cả hàng hóa trong bối cảnh chính sách tiền lương mới có hiệu lực từ 1/7. Ảnh minh họa.
Tại cuộc hội thảo dự báo tình hình giá cả từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 4,2% - 4,5%. Lý do chính là bởi năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kinh nghiệm trong điều hành thời gian qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá là một lợi thế. "Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng", ông Ngô Trí Long cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cảnh báo về những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực sẽ tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế trong nước, cộng hưởng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để, nên sẽ tác động tới lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!