Nhiệm vụ hàng đầu của ngành Tài chính năm 2024 là điều hành chính sách tài khoá chủ động, linh hoạt để vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng vẫn tạo thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra các giải pháp cụ thể về vấn đề này trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc khai thác các khoản thu tiềm năng lâu nay chưa thu được đã giúp thu ngân sách 2023 vượt dự toán bất chấp nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn
Phóng viên VTV: Thưa Bộ trưởng, năm 2023 là năm rất khó khăn với kinh tế toàn cầu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngân sách đã miễn giảm, giãn hoãn gần 200.000 tỉ đồng thuế, phí cho doanh nghiệp trong năm 2023. Tuy nhiên thu ngân sách năm 2023 vẫn vượt 5% dự toán. Điều này có bình thường hay không khi mà doanh nghiệp thì khó khăn song thu ngân sách vẫn tăng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,05% nhưng thu ngân sách vẫn tăng cao trong bối cảnh Chính phủ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí cho doanh nghiệp. Vậy nguồn thu này đến từ đâu?
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp song hành với đó là sáng tạo và đổi mới trong thu ngân sách. Ví dụ các khoản thu tiềm năng lâu nay chưa thu được, chẳng hạn thu từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong năm 2023 đã có hơn 70 nhà cung cấp nước ngoài như YouTube, Google, Facebook… nộp thuế cho nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phát hành hoá đơn điện tử và quản lý chặt hoá đơn điện tử giúp ghi nhận doanh thu chính xác hơn. Nên dù giảm thuế nhưng việc ghi nhận doanh thu chính xác hơn giúp thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng. Ngoài ra là quản lý chặt chẽ quá trình hoàn thuế và chống chuyển giá, kết nối dữ liệu liên thông với máy tính tiền và phát hành hóa đơn may mắn… Những giải pháp đó đã đưa lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Phóng viên VTV: Việc gia hạn, miễn, giảm thuế, phí trong những năm gần đây được doanh nghiệp đánh giá rất cao và xem đây là một trong những giải pháp trợ giúp đi vào cuộc sống nhanh, hiệu quả và thiết thực nhất. Năm 2024, ngoài việc giảm 50% thuế VAT đến giữa năm, Bộ Tài chính sẽ tham mưu, đề xuất thêm những giải pháp hỗ trợ gì cho người dân và doanh nghiệp?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị giảm thuế môi trường với xăng dầu, giảm các loại phí và lệ phí và giảm 3% tiền thuê đất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp không chỉ là giảm thuế phí mà cần nhiều giải pháp khác, chẳng hạn như tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý: mở cửa thị trường tiêu thụ, tín dụng ngân hàng hoặc các thủ tục hành chính…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh quan điểm chỉ vay khi trả được nợ
Phóng viên VTV: Gần đây các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá rất cao khả năng quản lý nợ công của Việt Nam có tính chất bền vững, hiệu quả. Thậm chí có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khoá mở rộng hay nói cách dễ hiểu là có thể tăng vay nợ công để đầu tư các dự án lớn, dự án tạo động lực cho nền kinh tế. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tôi đồng tình với quan điểm này. Năm 2021, nợ công của Việt Nam ở mức 43,1% GDP. Đến đầu năm 2024, nợ công giảm xuống chỉ còn 37% GDP, đặc biệt nợ nước ngoài còn 34%. Trong khi dư địa được Quốc hội giao cho Chính phủ điều hành là 60%.
Như vậy còn một khoảng dư địa lớn để chúng ta có thể huy động nợ công phục vụ cho các công trình hạ tầng thiết yếu, công trình kiến tạo trong tương lai. Những công trình này phải phát huy hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội một cách cao nhất. Cho nên, chúng tôi có quan điểm là "chỉ vay khi trả được nợ".
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!