Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: CPTPP là động lực phát triển kinh tế, chính trị, xã hội

Trường Sơn (PV Thường trú Đài THVN tại Mỹ)-Thứ sáu, ngày 09/03/2018 17:19 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhiều nước đang quan tâm tới việc gia nhập CPTPP bởi những động lực mà hiệp định này mang lại cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.

Vào rạng sáng 9/3 theo giờ Hà Nội, 11 quốc gia thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức ký kết hiệp định này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Khi Mỹ rút khỏi TPP 12, các quốc gia còn lại vẫn đánh giá rất cao chất lượng của hiệp định tự do thế hệ mới của TPP và hiểu rằng, lợi ích các quốc gia nhận được từ hiệp định này không đơn thuần về thương mại trong việc dỡ bỏ các hàng rào quan thuế, mà vấn đề cơ bản là những động lực mà hiệp định này mang lại cho sự phát triển kinh tế chính trị xã hội của mỗi nước. Và đây mới là điều cơ bản tạo nên sức hút cho các quốc gia đang tham gia CPTPP cũng như cho các nền kinh tế, các quốc gia khác.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá vẫn đang diễn biến phức tạp, dù dòng chảy chính vẫn là tự do hoá thương mại, thì đã có những dấu hiệu và biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tuý, biệt lập, thì việc Việt Nam chúng ta thực hiện quyết tâm và nhất quán TPP 12 trước đây và bây giờ là TPP 11 hay CPTPP chính là một bước rất cụ thể của Đảng và Nhà nước ta để cụ thể hóa chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác.

Chúng ta cũng thấy rõ, với vị thế là nước sáng lập CPTPP, chúng ta đã khẳng định được vị thế chính trị và địa vị của chúng ta trong các sân chơi toàn cầu. Ngoài ra, khi đã hội nhập qua CPTPP, về thể chế, chúng ta có điều kiện hoàn thiện nhà nước pháp quyền một nền kinh tế năng lực cạnh tranh ngày càng cao dựa trên nền tảng của minh bạch hóa, công khai hóa cũng như tiếp tục thuận lợi hóa cho các hoạt động thương mại theo nguyên tắc của kinh tế thị trường".

CPTPP được ký kết - Thuận lợi và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam

Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết. DN Việt sẽ có được nhiều thuận lợi những cũng đối mặt với những cạnh tranh không nhỏ.

Thứ nhất, nhóm ngành xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi thuế quan được cắt giảm sau khi ký kết CPTPP. Nổi trội là các nhóm ngành thủy hải sản, may mặc, da giày, lắp ráp đồ điện tử… Việc ký kết CPTPP sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, thúc đẩy tiềm năng doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực logistics, việc tăng cường tự do thương mại sẽ thúc đẩy hoạt động vận chuyển giữa các nước trong nhóm. Từ đó, hoạt động hàng hải, hàng không… được tiếp đà khi thương mại giữa các nước gia tăng.

Thứ ba, khả năng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn, dẫn tới việc xây mới hoặc thuê các khu công nghiệp để phục vụ sản xuất. Nhờ sự vận động này, nhóm doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng sẽ có đà phát triển trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội mang lại, CPTPP là thách thức đối với các nhóm ngành phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa với kim ngạch nhập khẩu lớn từ các nước tham gia hiệp định như ngành đồ gia dụng, ngũ cốc…

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng các cơ hội?

Để tận dụng được các lợi ích nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với Hiệp định CPTPP, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của Hiệp định CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương. Đây là kênh thông tin hữu ích cho tất cả các đối tượng quan tâm đến Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng trên.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước