Trong các phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội, rất nhiều đại biểu đã đề cập đến các vấn đề về phát triển thủy điện, vấn đề tác động đến môi trường thủy điện nhỏ, vừa và nhỏ cũng như những vấn đề liên quan đến phòng, chống thiên tai, bão lũ.
Vấn đề được đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đang có rất nhiều thiên tai, bão lũ và đang tác động đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước và của nhân dân.
Vào chiều nay (4/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có báo cáo giải trình trước Quốc hội về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội vào chiều nay (4/11)
Thủy điện rất quan trọng
Bắt đầu bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn năng lượng từ thủy điện.
Theo Người đứng đầu ngành Công Thương, hiện nay trên cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các quy mô khác nhau với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng công suất khoảng 20.000 MW, chiếm 37 % công suất phát của đất nước hiện nay.
"Đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước, cho phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, hiện chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu và hiện nay năng lượng sơ cấp của chúng ta đã gần hết. Thủy điện là một nguồn năng lượng tái tạo rất quan trọng và có mức độ ô nhiễm ít, độ phát thải khí nhà kính gần như không có.
Bên cạnh chức năng phát điện, theo ông Trần Tuấn Anh, các hồ chứa nước của các đập thủy điện còn có tác dụng đóng góp vào việc tích nước và tùy thuộc vào công suất nó có thể cắt giảm lũ và điều tiết lũ cũng như phục vụ cho nhu cầu phát triển khác.
Không phủ nhận mặt tiêu cực
Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Không phủ nhận những tác động tiêu cực do thủy điện, đặc biệt là những tác động đến môi trường đất, nước và khí hậu cũng như đời sống dân sinh".
Bộ trưởng Bộ Công Thương không phủ nhận những mặt tiêu cực của thủy điện
Tuy nhiên theo ông Tuấn Anh đây là những vấn đề tổng thể và tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn lực của thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
"Đặc biệt trong giai đoạn trước kia, thì rất nhiều các dự án thủy điện cũng có câu chuyện chiếm đất rừng tự nhiên và nó cũng gây ra những ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, chức năng của rừng trong phòng, chống lũ bão, giảm thiểu tác động đến môi trường", ông Tuấn Anh cho biết.
Thủy điện không sử dụng đất rừng tự nhiên
Trước những tác động tiêu cực của thủy điện, theo ông Tuấn Anh, từ lâu thủy điện đã được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ.
"Hàng năm chúng tôi đều có các cuộc kiểm tra, giám sát và báo cáo đầy đủ theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội để báo cáo Quốc hội về: Độ an toàn của đập, hồ thủy điện; vận hành của hệ thống thủy điện…", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, không có dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên từ năm 2016
Đáng chú ý theo ông Trần Tuấn Anh, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư về việc kiểm soát chặt chẽ phát triển thủy điện, không cho phép sông rút vào rừng tự nhiên.
"Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay trong số các dự án thủy điện hoàn toàn không có một dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên và diện tích chiếm dụng đất trên các dự án được bổ sung quy hoạch tổ chức triển khai trên thực tế đã giảm", ông Trần Tuấn Anh cho biết.
"Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay trong số các dự án thủy điện hoàn toàn không có một dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên và diện tích chiếm dụng đất trên các dự án được bổ sung quy hoạch tổ chức triển khai trên thực tế đã giảm", ông Trần Tuấn Anh cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!