Với 64% phiếu phản đối, đây là một cú sốc lớn cho kế hoạch của CEO mới Kelly Ortberg - người vừa tiếp quản công ty với mục tiêu giải quyết khó khăn tài chính. Công nhân vẫn kiên quyết yêu cầu tăng lương và khôi phục chế độ hưu trí, giữa bối cảnh mâu thuẫn đã âm ỉ suốt nhiều năm.
Hơn 30.000 công nhân của Boeing tại các nhà máy trên Bờ Tây nước Mỹ tiếp tục đình công sau khi bác bỏ đề xuất hợp đồng mới của công ty vào ngày 23/10. Với 64% phiếu chống, đây là lần thứ hai công nhân bác bỏ đề xuất, khiến tập đoàn này rơi vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết.
Đề xuất này hứa hẹn tăng lương 35% trong bốn năm tới, nhưng không đáp ứng được mong muốn của công nhân, đặc biệt là về mức tăng 40% và khôi phục chế độ hưu trí định kỳ.
Ông John Holden - Chủ tịch Hiệp hội Thợ máy Khu vực 751 cho biết: "Các thành viên của chúng tôi đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều đoàn kết. Dù họ làm việc nhiều năm hay mới vài tháng, ai cũng kiên quyết đấu tranh cho những quyền lợi họ xứng đáng có được".
Tình hình tại Boeing đang ngày càng nghiêm trọng khi đình công kéo dài đã làm đình trệ sản xuất các dòng máy bay bán chạy nhất như 737 MAX, 767 và 777. Từ ngày 13/9, nhà máy gần như đóng băng, khiến tình hình tài chính của Boeing thêm căng thẳng. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai công nhân bỏ phiếu từ chối hợp đồng, sau lần phản đối đầu tiên với 95% phiếu chống vào tháng trước.
Công nhân Boeing đình công tại Cơ sở Boeing Portland vào ngày 19/9, tại Portland, bang Oregon (Ảnh: AFP)
Sự bất mãn của công nhân không chỉ dừng lại ở chuyện lương bổng, mà còn xuất phát từ việc Boeing chi hàng tỷ USD vào việc mua lại cổ phiếu và trả thưởng kỷ lục cho ban lãnh đạo, trong khi thu nhập của công nhân bị tụt lại phía sau so với lạm phát.
Các công nhân cũng phản đối việc công ty đã cắt bỏ chế độ hưu trí từ năm 2014, khiến họ mất đi quyền lợi đã từng được hứa hẹn. Giám đốc Điều hành mới của Boeing - Kelly Ortberg - người nhận vị trí từ tháng 8 năm nay, đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Một trong những khủng hoảng mà công ty phải đối diện là sự cố về chất lượng máy bay, sau vụ nổ giữa không trung của một chiếc Boeing 777 vào tháng 1. Dù Ortberg tuyên bố Boeing cần một sự thay đổi căn bản trong văn hóa công ty, nhưng điều này vẫn chưa đủ để làm dịu bầu không khí căng thẳng hiện tại.
"Chuyện chính vẫn là lương và hưu trí. Chúng tôi sẵn sàng ngồi lại đàm phán, tìm ra các giải pháp sáng tạo, nhưng trước hết cần có một thỏa thuận mà các thành viên có thể chấp nhận", ông John Holden - Chủ tịch Hiệp hội Thợ máy Khu vực 751 nói.
Nếu cuộc đình công tiếp tục kéo dài, không chỉ năng suất sản xuất mà cả vị thế tài chính của Boeing - nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ - cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.
Boeing chìm sâu vào khủng hoảng lao động VTV.vn - Boeing thông báo sẽ cắt giảm 17.000 việc làm, tương đương 10% lực lượng lao động, giữa lúc công ty lỗ 5 tỷ USD trong quý III và đình công của 33.000 công nhân kéo dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!