"Bóng ma" Olympic và nỗi ám ảnh Tokyo

Thùy An-Thứ năm, ngày 23/07/2020 06:43 GMT+7

VTV.vn - "Chúng tôi thậm chí đã không thể nghĩ về Olympic nữa", đại diện của hãng hàng không Nippon nói về sự thất vọng khi Olympic Toykyo 2020 bị hoãn.

Olympic Tokyo 2020 bị hoãn không chỉ là nỗi thất vọng của hàng trăm ngàn vận động viên. Nó đang phủ bóng đen lên hàng ngàn công ty và hàng triệu người dân Nhật. Nhiều người không thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Ông Motokuni Takaoka nói với tờ Nikkei rằng, mình mất ngủ thường xuyên đến nỗi chuyện thức trắng đêm đã thành quen thuộc. Công ty của ông Takaoka chuyên kinh doanh thảm, nệm và đã cung cấp các sản phẩm của mình cho các đội Olympic của Nhật, Pháp, Đức, Trung Quốc, Úc từ năm 2012. Với việc Olympic dự kiến được tổ chức ở Tokyo vào năm 2020, công ty của ông Takaoka đã ký hợp đồng với tư cách là nhà tài trợ.

Trong làng Olympic, công ty 23 tuổi đời này đã tạo những tấm nệm ba mặt, hai mặt có thể lật và gấp gọn theo nhu cầu của từng vận động viên. Các sản phẩm được làm vật liệu đắt, nhẹ, có thể tái chế và dễ dàng giặt được.

Bóng ma Olympic và nỗi ám ảnh Tokyo - Ảnh 1.

Hàng nghìn chiếc nệm xếp chồng trong kho vì Olympic 2020 bị hoãn

Khi ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh bị lùi tới năm 2021, 10.000 chiếc nệm xếp chồng trong làng Olympic ở Harumi, phía đông Tokyo. Thay vì không khí nhộn nhịp, nơi này giờ cũng vắng lặng như ngôi làng ma. Không những thế, 8.000 chiêc nệm khác cũng bị tồn trong kho của công ty. Hàng tồn kho có thể tái chế để tái sử dụng hoặc đơn giản là quyên góp cho các dự án nhà của Chính phủ. Nhưng kẹt một nỗi, những chiếc nệm này được thiết kế đặc biệt với logo Olympic Tokyo 2020. Vì thế chúng không dễ dàng được bán vì những nguyên tắc tiếp thị ngặt nghèo của Ủy ban Olympic quốc tế.

Theo dự kiến ban đầu, lễ khai mạc Olympic sẽ diễn ra vào ngày 24/7, vài ngày sau sinh nhật lần thứ 60 của ông Takaoka. Sau đó ông dự định sẽ nghỉ hưu.

"Bây giờ tôi sẽ phải đợi thêm một năm nữa", ông Takaoka nói và cho biết thêm, bản thân ông đã dành cả một thập kỷ và khoảng 50 triệu USD để phát triển dòng sản phẩm cho Olympic của công ty.

"Bóng ma" Olympic ám ảnh Tokyo

Các sân vận động mới, nhà ga, sân bay, khu nhà ở dành cho các vận động viên, khán giả từ khắp nơi trên thế giới ở Tokyo sẽ bất động trong vòng ít nhất 1 năm nữa.

Nhật Bản đã mất 6 năm và ít nhất 12 tỷ USD để sẵn sàng cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh trong không khí hân hoan. Nhưng rồi cơn bão COVID-19 tràn qua. Mọi thứ đều bị dừng lại. Chính quyền thành phố cùng hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ đang dần chấp nhận một sự thật rằng, nước Nhật sẽ không bao giờ có thể nhận lại số tiền đầu tư của mình và nếu có diễn ra thì mọi thứ cũng không thể theo như dự kiến ban đầu.

Bóng ma Olympic và nỗi ám ảnh Tokyo - Ảnh 2.

Nếu không có COVID-19, sân bay Narita sẽ trở thành sân bay nhộn nhịp nhất thế giới ở thời điểm này

Sự không chắc chắn về việc Olympic sẽ diễn ra như thế nào xuất phát từ việc hàng trăm doanh nghiệp và các nhà tài trợ đang chật vật vì đại dịch. Niềm hy vọng có thể tận dụng sự kiện thể thao 4 năm có một lần để kinh doanh đã biến thành nỗi hoang mang. Nhiều công ty không chắc chắn mình có nên tiếp tục gắng gượng để đầu tư cho một sự kiện hao tiền tốn của trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

"Chúng tôi chỉ cố gắng sống sót cho tới cuối năm nay", đại diện của hãng hàng không Nippon nói. Hãng hàng không hy vọng sẽ được hưởng lợi từ Olympic nhưng lệnh phong tỏa của các quốc gia trên khắp thế giới cũng như hạn chế đi lại ở Nhật đã khiến công ty rơi vào khốn khó.

"Chúng tôi thậm chí đã không thể nghĩ về Olympic nữa"

đại diện của hãng hàng không Nippon

Nhưng rồi ngay cả trước khi đại dịch ào đến, việc tổ chức Olympic đã là câu chuyện tốn kém. Phường Taito ở Tokyo đã quyết định đầu tư cho cơ sở hạ tầng để chờ đón ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh dù khu vực này không có bất cứ địa điểm thi đấu nào. 

Lý do chỉ vì phường này nằm trên đường chạy marathon và các vận động viên sẽ chạy qua khu Asakusa – Sensoji nổi tiếng. Chính quyền phường đã nâng cấp con đường làm sao để khán giả có thể xem được các vận động viên rõ nhất, các vận động viên khuyết tật dễ dàng di chuyển trên đường chạy và giải pháp cách nhiệt để chống lại cái nóng ở Tokyo vào mùa hè.

Tuy nhiên vào ngày 16/10/2019, Chủ tịch IOC Thomas Bach bất ngờ tuyên bố đường chạy marathon sẽ phải chuyển từ Tokyo lên hòn đảo phía bắc Hokkaido để tránh mức nhiệt có thể lên tới 40 độ C ở Thủ đô. Bà Yuriko Koike, Thị trưởng thành phố Tokyo cho hay, đó là một quyết định không có sự thỏa thuận từ trước.

Bóng ma Olympic và nỗi ám ảnh Tokyo - Ảnh 4.

Chủ tịch ủy ban Tokyo 2020 Yoshiro Mori (trái) tham dự lễ đón ngọn lửa Olympic ở tỉnh Miyagi vào tháng 3, vài ngày trước khi Olympic bị quyết định hoãn lại

Tại quận Fukushima, nơi dự kiến diễn ra lễ rước đuốc vào ngày 26/3 nhưng cuối cùng phải hủy bỏ, chính quyền đã phải thanh toán số 250 triệu Yen (tương đương 2,33 triệu USD) cho các nhà thầu xây dựng địa điểm và công ty an ninh.

Sau nhiều tuần đồn đoán, cuối cùng Olympic đã chính thức bị bị hoãn sang năm 2021 vào ngày 24/3. Chính phủ Nhật cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì dịch ngay sau đó trên khắp đất nước.

Olympic hoãn và đại dịch – cú đòn kép chí tử

Với nhiều doanh nghiệp nhỏ của Nhật, việc Thế vận hội hoãn và đại dịch COVID-19 chẳng khác nào hai cú đánh liên tiếp và cú nào cũng "chí tử". Tại Asakusa, khu du lịch nổi tiếng ở Tokyo, cửa hàng bánh gạo 135 năm tuổi của ông Shigemi Fuji sẽ phải dừng hoạt động.

"Tôi đã phải bỏ một nửa số hàng tồn kho vì hầu như không có khách trong những ngày này" ông Fuji nói.

Ông Fuji cũng là chủ tịch liên đoàn du lịch Asakusa, đơn vị tổ chức nhiều hội thảo để những công ty kinh doanh lữ hành có thể ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Olympic là sự kiện diễn ra chỉ một lần nhưng tôi hy vọng du khách sẽ quảng bá thông tin về Nhật Bản sau chuyến đi. Từ đó nhiều người sẽ đến với nước Nhật hơn. Olympic hoãn lại khiến tôi rất thất vọng

Ông Fuji. chủ tịch liên đoàn du lịch Asakusa

Có rất nhiều câu chuyện tương tự ở khắp Nhật Bản. Tại Fukushima, nơi bị tàn phá bởi thảm họa kép động đất, sóng thần hồi năm 2011, Olympic được xem là niềm hy vọng cho "sự phục hồi".

Ở đó, Daisuke Shimizu, một nông dân chăn nuôi bò sữa, đã phải chi 1 triệu Yen tiền đầu tư để sản phẩm của mình có chứng nhận an toàn, cung cấp cho làng Olympic.

Nhiều người trong vùng cũng làm tương tự với hy vọng giảm bớt lo ngại của du khách về ô nhiễm phóng xạ, từ đó bán được hàng. Mất 18 tháng cố gắng để có được chứng nhận, Daisuke Shimizu đã chết lặng khi nhận thông báo Olympic sẽ bị hoãn.

Bóng ma Olympic và nỗi ám ảnh Tokyo - Ảnh 6.

Với nhiều doanh nghiệp nhỏ của Nhật, việc Thế vận hội hoãn và đại dịch COVID-19 chẳng khác nào hai cú đánh liên tiếp và cú nào cũng "chí tử"

"Tôi rất thất vọng. Tất cả những gì tôi hy vọng là Olympic sẽ diễn ra vào năm tới một cách suôn sẻ và chúng tôi có thể tận dụng cơ hội của mình", Daisuke Shimizu nói.

Không chỉ "hạ gục" các doanh nghiệp nhỏ, Olympic hoãn cũng tăng gánh nặng tài chính lên chính quyền Tokyo, vốn đã phải chi rất nhiều để chống lại đại dịch. Chi tiêu ngân sách và phát hành trái phiếu của Nhật đã đạt mức kỷ lục trong năm nay trong khi chính quyền Tokyo đã chi 95% ngân sách dự phòng vốn để dành riêng cho những trường hợp khẩn cấp.

Olympic có còn là cơ hội hồi sinh nền kinh tế?

Việc hoãn lại đến năm 2021 không khiến các nhà tài trợ yên tâm bởi ai cũng phải chấp nhận một thực tế, nguy cơ lây nhiễm là cực cao từ các sự kiện đông người như Thế vận hội nếu không có vaccine. Tuy nhiên, với Nhật Bản, Olympic còn mang ý nghĩa sống còn không kém.

"Phát triển vaccine không phải là điều kiện cho Olympic. Chúng tôi cần Olympic để hồi sinh nền kinh tế", Toshiaki Endo, một nghị sĩ của Đảng LDP và là người bạn thân của Chủ tịch Tokyo 2020 Yoshiro Mori nói với tờ Nikkei.

Bóng ma Olympic và nỗi ám ảnh Tokyo - Ảnh 7.

Olympic có còn là cơ hội hồi sinh nền kinh tế?

Nếu buộc phải trì hoãn đến năm 2022, Olympic Tokyo sẽ chồng chéo với Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh.

Ông Takaoka, CEO của công ty sản xuất nệm có tầm nhìn tương đối lạc quan về sự kiện ở Bắc Kinh nói: "Chúng tôi không phải các vận động viên, chỉ có một hoặc hai cơ hội tham gia Olympic. Nếu Olympic không diễn ra vào năm tới, chúng tôi có những sự kiện thể thao khác".

Tuy nhiên, không phải ai cũng có được tâm thế như ông Takaoka, nhất là các doanh nghiệp nội địa Nhật Bản.

"Thế vận hội 2021 sẽ là cơ hội cuối cùng của chúng tôi. Nếu nó không diễn ra vào năm tới, quá khó để các doanh nghiệp có thể kham nổi chi phí", đại diện của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản nhấn mạnh.

Cuối tuần qua, Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) đã công bố kết quả một cuộc thăm dò kéo dài 3 ngày trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. Theo đó, chỉ 23,9% người được hỏi trả lời muốn được xem Olympic vào năm sau. 36,4% đề nghị hoãn Olympic thêm một thời gian nữa, và có đến 33,7% cho rằng sự kiện thể thao này nên được hủy bỏ.

Nhiều người tin rằng với tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, rất khó để Olympic Tokyo kịp khai mạc vào ngày 23/7/2021 vì còn rất nhiều môn chưa thi đấu vòng loại. Đó là chưa kể những khó khăn chung của thế giới sau khi dịch bệnh kết thúc sẽ khiến Olympic Tokyo mất giá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước