Mới đây, dư luận đang tập trung vào câu chuyện giữa cựu người mẫu Trang Trần và tiến sĩ Lê Thẩm Dương về phong cách bán hàng online. Được biết, Trang Trần đã gặp khá nhiều người chuyên sử dụng tài khoản ảo tham gia livestream nhưng không để mua hàng mà để miệt thị cô; hoặc khi gặp những khách hàng bình luận không như ý muốn, cô chọn cách đáp trả những vị khách này bằng những câu chửi.
Ngoài việc phản kháng, việc chửi khách lại đạt thêm 1 mục đích đó là lôi kéo khách hàng xem livestream. Nó tạo thành một phong cách bán hàng. Khách hàng ghé buổi livestream có thể chỉ vì tò mò, nhưng rất có thể trở thành khách hàng tiềm năng. Đã có rất nhiều những người bán hàng online nổi tiếng trên mạng, nhờ chửi hay như hát và doanh số thì rất "khủng".
Một cô gái đã tiết lộ doanh thu hàng tỉ đồng một tháng nhờ livestream khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng chục nghìn người cùng live stream bán hàng, thậm chí bán cùng mặt hàng, đã đòi hỏi người bán phải tạo cho mình một phong cách riêng.
Chửi là cách thu hút chú ý nhanh nhất, và nếu lựa chọn "chửi khách", tức là đã bất chấp và thậm chí đánh đổi văn hoá để lấy doanh thu.
Quán "bún chửi" Ngô Sĩ Liên được giới thiệu trên kênh truyền hình CNN.
Các chuyên gia marketing nhìn nhận sự tồn tại "chửi khách" là do người bán đánh vào thị trường ngách, tức là phục vụ cho khách có nhu cầu đặc biệt, ở đây nghĩa là chấp nhận vừa mua hàng và được nghe chửi. Bộ phận người tiêu dùng này chấp nhận việc chửi của người bán, thậm chí còn giới thiệu cho người khác như một địa chỉ cần phải đến, ghé thăm hay phải xem.
"Chửi khách" có là một phong cách kinh doanh được thừa nhận hay không, suy cho cùng, phụ thuộc ở người bán và người mua chứ không ở những nhà đạo đức học.
Hãy cùng đón xem bản tin Tiêu dùng 24h phát sóng vào 10h hàng ngày trên VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!