Bùng nợ tăng cao, cho vay tiêu dùng qua thời "đẻ trứng vàng"

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 28/10/2023 07:26 GMT+7

VTV.vn - Đến cuối tháng 7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng mới tăng 2,93% so với cuối năm ngoái, rất thấp so với mức tăng 22% cùng kỳ năm ngoái.

Không trả được nợ vì... đánh bài thua hết tiền

Trong Công điện số 990 mới được ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Riêng đối với tín dụng tiêu dùng, tăng trưởng lĩnh vực này đang có dấu hiệu suy giảm do đối mặt với nhiều khó khăn. 

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng nhà nước, đến cuối tháng 7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng mới tăng 2,93% so với cuối năm ngoái, đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng. Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm nay là quá khiêm tốn.

Có rất nhiều nguyên nhân, khách quan thì do khó khăn chung của nền kinh tế, khiến nhu cầu vay vốn mua sắm, tiêu dùng của người dân suy giảm. Nhưng có một nguyên nhân được nhiều công ty tài chính đánh giá là nhân tố mới, tác động trực tiếp tới hoạt động của họ, là việc tràn lan các hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay tiêu dùng. 

Làm nghiệp vụ nhắc nợ nhiều năm, anh Phạm Tuấn Thành cho biết chưa bao giờ việc thu hồi nợ lại khó như năm nay. Nhiều khách hàng quá hạn trả nợ, nhưng không chịu nghe điện thoại. Hoặc nếu nghe, họ đưa ra rất nhiều lý do để trì hoãn trả nợ.

"Một số lý do khách hàng đưa ra nghe rất vô lý như đánh bài thua hết tiền rồi. Một số khách nói giọng bỡn cợn, hôm qua nhận lương đã trả các chủ nợ khác rồi, hôm nay em gọi anh hết tiền...", anh Thành, Trưởng nhóm nhắc phí qua điện thoại cho biết.

Bùng nợ tăng cao, cho vay tiêu dùng qua thời đẻ trứng vàng - Ảnh 1.

Hàng loạt các hội nhóm bùng nợ vay tiêu dùng

Khách đã vay chậm trả, trong khi nhiều khách hàng mới lại đến từ các hội nhóm dạy nhau bùng nợ. Khó thu hồi nợ, khiến nợ xấu của các công ty tài chính tăng cao. Nợ xấu cao, công ty lại không dám đẩy mạnh cho vay. Một vòng luẩn quẩn khiến nhiều bên cho vay rơi vào thế lưỡng nan.

"Tỷ lệ thu nợ hiện nay là giảm rất nhiều do ảnh hưởng bởi các đối tượng bùng nợ, giảm từ 50 - 60%. Đây là nguyên nhân chính gây khó khăn cho các công ty tài chính bởi khi nợ xấu tăng lên, buộc phải tăng trích lập dự phòng. Từ đó cũng không cho vay ra được vì càng cho vay ra thì càng nợ tăng", ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính HD Saison cho biết.

Theo ông Marcin Trusz, Giám đốc Khối Xử lý Tín dụng, FE Credit, các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang phải đối mặt với một khó khăn rất lớn khi bị "đánh đồng" với những công ty tài chính mạo danh, khiến nhiều khách hàng chưa hiểu rõ. Một bộ phận khách hàng không nhỏ khác thì lại vin vào đó để chây ỳ trả nợ, thậm chí có ý định không trả nợ. 

Theo báo cáo tài chính sơ bộ, nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của một số công ty tài chính đã sụt giảm mạnh, từ 30% - 80%, thậm chí tới hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đề xuất "bảo vệ" người cho vay

Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất, nếu đã có quy định với bên cho vay không được đòi nợ kiểu xã hội đen, thì cũng cần có hành lang pháp lý với chính người vay. Hoàn thiện các quy định pháp lý cho tất cả các bên liên quan hoạt động cho vay tiêu dùng mới có thể phát triển lành mạnh. 

Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính MB Shinsei, hàng lang pháp lý để hỗ trợ chưa hiệu quả và đảm bảo tính răn đe đối với người vay. Hình thức cao nhất là biện pháp khởi kiện. Nhưng hoạt động khởi kiện rất dài, hồ sơ đối với khách hàng tài chính tiêu dùng có số lượng rất lớn, giá trị khoản vay lại nhỏ nên khó khăn cho các cơ quan tố tụng.

Bùng nợ tăng cao, cho vay tiêu dùng qua thời đẻ trứng vàng - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến đề xuất hàng lang pháp lý bảo vệ hơn với người cho vay tiêu dùng

Hiệp hội ngân hàng đề xuất tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cần có cơ chế quản lý riêng với mảng tài chính tiêu dùng, đặc biệt với các công ty tài chính. Bởi họ thường cho vay nhóm khách hàng đa số có thu nhập trung bình thấp, không có tài sản đảm bảo.

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung và sửa đổi những quy định về cho vay tiêu dùng liên quan đến khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu khách hàng mà do điều kiện khách quan không trả được nợ thì có thể cơ cấu lại nợ. Từ đó giúp công ty tài chính tiêu dùng giảm nợ xấu, giảm được chi phí trích lập dự phòng rủi ro", ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh kiến nghị. 

Nhiều ý kiến cũng đề xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức trả nợ của người vay. Đồng thời, giúp người dân hiểu rõ hơn được sự khác biệt giữa các công ty cho vay được cấp phép, và các ứng dụng không được cấp phép, để họ có quyết định đúng đắn khi vay vốn. 

Hành vi bùng nợ là đáng lên án nhưng nói đi cũng phải nói lại, ngoài những nguyên nhân đến từ phía người đi vay, thì cõ lẽ không thiếu nguyên nhân từ phía người cho vay. Khi một bộ phận nhân viên của một số công ty tài chính tiêu dùng đi đòi nợ bằng một số hình thức như khủng bố điện thoại, khiến nhiều người đánh đồng, giữa tín dụng tiêu dùng với tín dụng đen.

Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần xử lý nghiêm, để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Nhưng rõ ràng, cần sớm ngăn chặn tình trạng dạy nhau bùng nợ, bởi chỉ khi tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, mới có thể ngăn chặn tín dụng đen. Và chủ đề này sẽ tiếp tục được bàn luận tại Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" vào ngày 31/10 tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước