Ngày 2/12, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) đã quyết định ban hành quy định cuối cùng về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ cá da trơn; trong đó có cá tra, cá basa Việt Nam. Theo quy trình giám sát này, cá tra, basa của tất cả các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải tương đương với tiêu chuẩn Hoa Kỳ đang áp dụng từ khâu sản xuất đến khâu chế biến. Như vậy, con đường xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường này vốn nhiều khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Quy định này sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2016, tức là Việt Nam chỉ còn 82 ngày để chuẩn bị. Với thời gian quá gấp, con đường xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ thêm khó khăn. Bên lề Hội nghị lần thứ 21 về Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Pháp ngày 2/12, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, nêu sự quan ngại của Việt Nam cũng như thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ cho hoạt động xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sang thị trường này. Còn ngày 8/12, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đã có cuộc làm việc với đại diện Hiệp hội thủy sản Hoa Kỳ.
Có thể thấy, sau mỗi phán quyết của Mỹ, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam bị ảnh hưởng và mức giảm cao nhất đã lên tới hơn 23%. Trước những quy định mới của Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và chủ các trang trại cá tra Việt Nam không tránh khỏi lo ngại. Lo lắng của doanh nghiệp Việt hoàn toàn có cơ sở khi ngay chính người Mỹ cũng đã cho rằng, khi áp dụng quy định, khả năng cá tra sẽ sớm "biến mất" trong thực đơn của người Mỹ. Giá cá tra, cá basa xuất khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á thường thấp hơn đến 4 USD/kg so với giá cá da trơn của Mỹ. Vì thế, cá basa nhập khẩu hiện chiếm tới gần 75% thị phần ở Mỹ. Hiển nhiên, ngành sản xuất cá da trơn của Mỹ và những nhà nhập khẩu thủy sản nước ngoài sẽ hiếm khi hòa thuận.
Theo khái niệm bộ cá da trơn của Mỹ, cá tra, cá basa của Việt Nam nằm trong một họ cá da trơn. Việc đưa ra các quy định giám sát bộ cá da trơn cũng đã được nhiều báo tại Mỹ bình luận và phân tích. Trong đó, các báo thừa nhận nhiều phản ứng tiêu cực trong bối cảnh vừa đạt được các thỏa thuận cuối cùng của TPP.
New York Times nhắc lại cuộc tranh chấp trên thị trường cá da trơn kể từ năm 2008, khi ngành nuôi cá da trơn của Mỹ gặp phải cạnh tranh ráo riết từ Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp hội cá da trơn của Mỹ đã yêu cầu Chính phủ ra quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với ngành sản xuất thủy sản này. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ.
Mỹ phá vỡ lời hứa với Việt Nam và tăng cường bảo hộ cho sản xuất trong nước là nội dung trên tờ Wall Street khi nhận định về quy định mới được đưa ra. Tờ báo này bình luận: "Thời gian đưa ra quy định cũng rất gần với thời điểm TPP đạt được thỏa thuận cuối cùng. Vì thế, dường như điều này đi ngược lại tinh thần của TPP".
Theo quy định của Mỹ, kể từ tháng 3/2016, để áp dụng quy định mới, các nước sẽ có khoảng thời gian chuyển tiếp 18 tháng. Trong 18 tháng này, Việt Nam sẽ phải cung cấp các tư liệu để chứng minh rằng Việt Nam có hệ thống quản lý đối với sản xuất, chế biến cá da trơn tương đồng với Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp quy định mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ làm ảnh hưởng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam, phía Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện bởi khi tham gia ký kết AFTA, WTO và TPP, các nước vừa phải cam kết thực hiện tự do thương mại vừa có quyền được đảm bảo lợi ích xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước thành viên. Thực tế này cũng cho thấy TPP không phải hoàn toàn là màu hồng, đúng như câu nói của người Mỹ: "Không có bữa trưa nào là miễn phí".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.