Tại một cơ sở sản xuất thuộc sở hữu của công ty mỹ phẩm L'Oreal tại thành phố Tô Châu, các công nhân đã bắt đầu trở lại làm việc.
Ông Zhang Qing, Giám đốc sản xuất Công ty Mỹ phẩm quốc tế Shangmei Suzhou cho biết: "50% nhân viên của chúng tôi đã đi làm trở lại, giúp chúng tôi đạt 50% công suất. Chúng tôi dự đoán các nhân viên còn lại sẽ trở lại vị trí vào cuối tháng 2 và giúp khôi phục sản lượng như bình thường.
Còn tại Thượng Hải, một nhà máy của hãng Toyota cũng đã dần đi vào vận hành bình thường.
"Tất cả nhân viên của chúng tôi ở Thượng Hải đã trở lại làm việc. Ngoài ra, phần lớn trong số 50 nhân viên người Nhật Bản cũng đã có mặt tại Thượng Hải. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này" - ông Zhuang Zhiqiang, Phó Tổng giám đốc Công ty Toyota Boshoku cho biết.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào tại Trung Quốc cũng ở trong tình trạng thuận lợi. Kết quả cuộc khảo sát mới nhất do Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải (AmCham) thực hiện cho thấy, khoảng 78% số công ty Mỹ có hoạt động sản xuất tại Thượng Hải, Tô Châu, Nam Kinh và đồng bằng sông Dương Tử không có đủ nhân công để khôi phục công suất đầy đủ. Hiện giới chức Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài sớm ổn định.
Ngoài vấn đề nhân công, dịch vụ hậu cần và sự cần thiết phải tìm nguồn cung thay thế cũng là những thách thức hàng đầu cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong từ 2-4 tuần tới. Hiện Chính phủ Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ cho các ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là những ngành liên quan đến chế tạo. Bắc Kinh đã yêu cầu với các ngân hàng giảm lãi suất cho các công ty đủ điều kiện, chấp nhận mức nợ xấu cao hơn, cũng như cam kết cắt giảm thuế và phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!