Các đề xuất cho thị trường vốn chung châu Âu

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 19/04/2024 18:40 GMT+7

VTV.vn - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu EU đang nỗ lực hồi sinh tham vọng xây dựng thị trường vốn chung cho khu vực, nhằm tăng sức cạnh tranh với các nền kinh tế lớn khác.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu EU đang nỗ lực hồi sinh tham vọng xây dựng thị trường vốn chung cho khu vực, nhằm tăng sức cạnh tranh với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày vừa kết thúc đêm qua theo giờ Việt Nam tại Brussel, Bỉ.

Kế hoạch thị trường vốn chung, được thúc đẩy bởi Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan và có sự hậu thuẫn của các cơ quan như Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu. Pháp là nước thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho ý tưởng này, với lập luận rằng chỉ có thị trường vốn chung mới có thể giúp châu Âu huy động hàng trăm đến hàng nghìn tỷ Euro cho quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là trọng tâm của nền kinh tế châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định: "Tài chính là một trong các lĩnh vực hiếm hoi đã bị loại khỏi thị trường chung châu Âu hiện nay. Tuy nhiên, thị trường vốn chung là cần thiết để châu Âu có một cơ chế thống nhất về tiết kiệm và đầu tư, qua đó dễ dàng hơn trong việc huy động nguồn tài chính cho các kế hoạch ưu tiên của chúng ta".

Để thống nhất các thị trường đơn lẻ thành một thị trường lớn, liên thông, các nhà lãnh đạo EU đề xuất ba giải pháp. Đó là một cơ chế giám sát thống nhất với quyền lực nằm trong tay cơ quan quản lý tài chính châu Âu Esma, hài hòa luật phá sản và hệ thống thuế để thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới trong nội bộ EU cũng như từ bên ngoài vào EU.

Ba đề xuất này của EU, đặc biệt là thuế, đã vấp phải sự phản đối của các nền kinh tế nhỏ hơn, do các nước này vẫn dựa vào việc đánh thuế thấp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thêm: "Chúng tôi hiểu được quan ngại của 14 nước thành viên EU. Mô hình phát triển của các nước này phụ thuộc lớn vào sức hấp dẫn của hệ thống tài chính. Chúng tôi sẽ dành thêm thời gian để trao đổi về bộ ba cơ chế giám sát thống nhất, luật phá sản và hệ thống thuế".

Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng lợi ích của thị trường vốn chung là hết sức rõ ràng, tuy nhiên cần có quyết tâm chính trị để thực hiện mục tiêu này.

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu đưa ra ý kiến: "Chúng tôi đã làm việc cật lực trong nhiều tháng để đưa ra các đề xuất này và chúng tôi dự định sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 6 tới, để định hướng triển khai trong các năm tiếp theo".

Bằng việc xây dựng thị trường vốn chung, châu Âu hy vọng sẽ đảo ngược dòng chảy vốn từ châu Âu sang Mỹ, huy động thêm 470 tỷ Euro mỗi năm và tận dụng khoản tiền tiết kiệm lên đến 9000 tỷ Euro đang nằm trong ngân hàng của người dân châu Âu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước