Các hãng công nghệ ồ ạt sa thải nhân sự: Việc làm ngành công nghệ mất dần sức hấp dẫn?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 11/02/2023 11:04 GMT+7

VTV.vn - Nhiều người cho rằng, với làn sóng sa thải lớn như hiện nay, phải chăng là việc làm ngành công nghệ đang mất dần sức hấp dẫn?

Làn sóng sa thải ở các công ty công nghệ

Công ty mẹ của Google đã sa thải 6% lực lượng lao động. Meta - công ty mẹ của Facebook sa thải còn nhiều hơn, khoảng 13% lực lượng lao động. Tập đoàn máy tính Intel còn mạnh tay hơn, dự kiến trong khoảng 1 năm tới, trung bình khoảng 5 nhân viên đang làm việc tại Intel sẽ có 1 nhân viên phải ra đi.

Công nghệ lâu nay được xem là một trong những ngành vốn màu mỡ và được vào làm tại các công ty công nghệ lớn là mơ ước của rất nhiều người trẻ tuổi. Tuy nhiên, số người phải nghỉ việc của các công ty công nghệ chỉ trong 1 tháng đầu năm đã gần 100.000. Tại sao ở các tập đoàn công nghệ lớn, có giá trị thị trường còn lớn hơn cả GDP của nhiều quốc gia, lại có cả nghìn người bị "lọt hố" sa thải như vậy?

Khi những tên tuổi lớn đang loay hoay cắt giảm nhân sự đây có phải tín hiệu không lành cho nền kinh tế và thị trường việc làm nói chung? Liệu người lao động bình thường có cần lo ngại cho vị trí của mình?

Các hãng công nghệ ồ ạt sa thải nhân sự: Việc làm ngành công nghệ mất dần sức hấp dẫn? - Ảnh 1.

Số người phải nghỉ việc của các công ty công nghệ chỉ trong 1 tháng đầu năm đã gần 100.000 người. (Ảnh minh họa - Ảnh: Economic Times)

Gần 100.000 người đã mất việc làm chỉ trong một tháng - là một con số khó ai có thể tưởng tượng ở một lĩnh vực nóng như là công nghệ. Làn sóng sa thải vẫn chưa dừng lại khi tiếp tục có những cái tên mới gia nhập làn sóng này.

Trong tuần này, hãng máy tính Dell đi đầu làn sóng sa thải với việc cắt giảm 6.650 lao động, tương đương khoảng 5% nhân sự của hãng. Tiếp đó là hãng thương mại điện tử eBay, với quy mô khoảng 500 nhân viên. Đáng chú ý nhất là Zoom - ứng dụng video hội thảo trực tuyến đình đám trong gần 3 năm qua, cũng đã thông báo cắt giảm hơn 2.000 nhân viên, khi nhu cầu với các dịch vụ của hãng đi xuống đáng kể sau đại dịch.

Làn sóng sa thải công nghệ và thị trường lao động Mỹ

Trong thông báo cắt giảm nhân sự, các hãng công nghệ đều tuyên bố là họ đang trải qua một giai đoạn kinh doanh nhiều thách thức. Nhưng không chỉ ngành công nghệ mà nhiều lĩnh vực khác thời gian qua cũng gặp thách thức lớn.

Đã có những lo ngại về việc các ngành nghề khác tại Mỹ cũng gia nhập làn sóng sa thải lao động trong thời gian tới. Thực tế, ngoài lĩnh vực công nghệ, làn sóng sa thải lao động ở Mỹ đã lan sang một số lĩnh vực khác như là tài chính với Goldman Sachs, Morgan Stanley, Barclays và cả lĩnh vực truyền thông với NBC News, Washington Post cũng như CNN.

Tuy nhiên, thị trường lao động Mỹ vẫn tiếp tục ổn định. Tính đến tháng 12/2022, trên toàn nước Mỹ có 11 triệu vị trí việc làm cần người làm việc, mức cao kỷ lục và vượt gần hơn 2 lần con số 5,7 triệu người đang đi tìm việc trong cùng thời điểm.

Trong tháng 1/2023, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 517.000 việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện giảm xuống còn 3,4%, mức thấp nhất kể từ năm 1969. Các lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng, giải trí, chăm sóc sức khoẻ… vốn chiếm tới hơn 36% lực lượng lao động trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ, hiện vẫn đang tiếp tục tăng cường tuyển dụng để bù đắp số lao động đã bị mất đi trong giai đoạn đại dịch bùng phát.

Vì sao thị trường lao động Mỹ vẫn vững vàng?

Có vẻ làn sóng sa thải công nghệ đã không có nhiều tác động đến thị trường việc làm nói chung ở Mỹ. Phần lớn các bộ phận của nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang tỏ ra rất "khát" việc làm bất chấp những thách thức hiện nay. Các chuyên gia đã đưa ra một số lý giải cho xu thế này.

Theo các chuyên gia, làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ không có khả năng gây ra những tác động quy mô lớn tới thị trường việc làm trong thời gian ngắn.

Chỉ có 2% người lao động Mỹ được các công ty công nghệ tuyển dụng, thấp hơn nhiều so với lĩnh vực sản xuất (8%), bán lẻ (10%) hay chăm sóc sức khỏe (11%).

Bất chấp lãi suất tăng 8 lần liên tục song thị trường lao động Mỹ vẫn đang thắt chặt. Các công ty trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe và giáo dục đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng mới.

Hãng bán lẻ Walmart mới đây cho biết sẽ tăng lương lên hơn 17,5 USD/giờ để thu hút người lao động. Các tên tuổi lớn khác như Target và Costco cũng có động thái tương tự và được đánh giá là không có khả năng cắt giảm lao động.

Các hãng công nghệ ồ ạt sa thải nhân sự: Việc làm ngành công nghệ mất dần sức hấp dẫn? - Ảnh 2.

Tính đến tháng 12/2022, Mỹ vẫn có 11 triệu vị trí cần người làm việc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Glassdoor)

Ông Michael Jones - CEO công ty tư vấn tài chính Caravel Concepts, Mỹ nhận định: "Thị trường việc làm đang trong tình trạng rất tốt. Các công ty Mỹ đã phải chiến đấu lâu dài và vất vả để có được công nhân trong suốt hai năm qua. Bây giờ rằng họ đã có thể tuyển dụng dễ dàng hơn, họ không có xu hướng sa thải người lao động. Bán lẻ và khách sạn là những lĩnh vực tuyển dụng nhiều nhất. Đây là những ngành phần lớn là công việc theo mùa. Thông thường sẽ có những đợt sa thải lớn vào tháng 1 sau khi mùa Giáng sinh. Song những đợt sa thải đó đã không xảy ra trong năm nay".

Tính đến tháng 12/2022, Mỹ vẫn có 11 triệu vị trí cần người làm việc. Tương ứng, mỗi người thất nghiệp có tới 1,9 cơ hội tìm việc mới.

Nhu cầu lao động trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ vẫn rất lớn

Nhiều người cho rằng, với làn sóng sa thải lớn như hiện nay, phải chăng là việc làm ngành công nghệ đang mất dần sức hấp dẫn? Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn đúng như vậy.

Nhu cầu lao động trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ vẫn rất lớn. Bởi thực tế số lượng lao động trong các công ty công nghệ lớn như là Apple, Google, Meta hay Amazon… chỉ chiếm khoảng 2% tổng số lao động tại Mỹ. Trong khi đó, công nghệ đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống cũng như là nền kinh tế Mỹ nên nhu cầu tuyển dụng lao động lĩnh vực này ở Mỹ vẫn là rất cao.

Cũng chính vì thế sau đợt sa thải lao động vừa qua thì đã có một làm sóng chuyển dịch lao động công nghệ từ các đại công ty công nghệ sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dù được làm việc ở các đại công ty công nghệ với mức lương cao vẫn là mơ ước, song nhiều lao động trong lĩnh vực công nghệ đã thay đổi quan niệm, chấp nhận làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ hơn với mức lương thấp hơn nhưng ổn định hơn.

Có một số liệu thống kê gần đây cho thấy là có tới gần 80% nhân sự công nghệ bị sa thải, đã tìm được công việc mới chỉ trong vòng 3 tháng sau đó. Không chỉ có các công ty công nghệ, những doanh nghiệp khác như là hãng xe GM của Mỹ gần đây cũng đăng tin tuyển nhân sự về mảng công nghệ.

Điều đó cho thấy công nghệ vẫn đang giữ được sức nóng của mình và các lao động trong lĩnh vực này, vẫn có thể nhìn thấy rất nhiều cơ hội cho mình trong tương lai khi đã thích ứng với điều kiện mới.

Yahoo sa thải hàng nghìn nhân viên Yahoo sa thải hàng nghìn nhân viên [INFOGRAPHIC] Làn sóng sa thải nhân viên của các tập đoàn công nghệ lớn [INFOGRAPHIC] Làn sóng sa thải nhân viên của các tập đoàn công nghệ lớn Nhân viên công nghệ Mỹ đi đâu sau khi bị sa thải? Nhân viên công nghệ Mỹ đi đâu sau khi bị sa thải?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước