Bốn hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ, bao gồm American (AAL), Delta (DAL), United (UAL) và Southwest (LUV) - có 31,5 tỷ USD tiền mặt trong bảng cân đối kế toán vào cuối năm 2020, cao hơn con số 13 tỷ USD một năm trước đó, trước khi đại dịch xảy ra. Tính cả tiền mặt và các hạn mức tính dụng chưa dùng đến, các hãng hàng không hiện có thể tiếp cận gần 65 tỷ USD.
Các hãng hàng không đã nhận được hỗ trợ tài chính đáng kể từ chính phủ, nhưng phần lớn số đó được yêu cầu dùng cho việc giữ việc làm cho nhân viên. Vì vậy, phần lớn các khoản vay và tiền mặt đến từ các ngân hàng và Phố Wall. Các hãng đã bán trái phiếu, vay tiền, cầm cố máy bay, các chương trình khách bay thường xuyên và các tài sản khác, và thậm chí bán thêm cổ phiếu.
Lượng tiền vay đã thêm khoảng 40 tỷ USD nợ dài hạn vào bảng cân đối kế toán của các hãng hàng không. Môi trường lãi suất thấp đã giúp các hãng hàng không, khi các nhà đầu tư và ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận đang sẵn lòng cho các hãng hàng không vay vốn.
Máy bay của hãng hàng không American Airlines (Ảnh: Sputnik).
Các hãng cũng cắt giảm sâu các chi phí, sa thải khoảng 16% nhân sự vào đầu năm 2021. Trong những tuần gần đây, American và United Airlines đã phát đi thông báo đến 27.000 nhân viên, cho biết họ có thể bị cho thôi việc nếu không có một đợt hỗ trợ thứ ba từ chính phủ trước ngày 1/4. Việc cắt giảm chi phí đã giúp làm giảm một nửa tốc độ "đốt tiền" của các hãng hàng không từ quý II-IV năm ngoái, dù lưu lượng vận chuyển hàng không và doanh thu vẫn chỉ bằng một phần nhỏ thời kỳ trước đại dịch.
Nhưng dù đã kìm hãm tốc độ "đốt tiền", bốn hãng hàng không kể trên vẫn "thổi bay" tổng cộng 115 triệu USD/ngày trong giai đoạn từ tháng 4 - 12/2020 và dự báo sẽ còn tiếp tục "đốt tiền" dù với tốc độ chậm hơn trong nửa đầu năm 2021. Giới lãnh đạo các hãng hàng không cho rằng xây dựng một nguồn dự trữ tiền mặt lớn là cách chắc chắn duy nhất để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có này.
Ngoại trừ Southwest Airlines chỉ mới bị lỗ lần đầu kể từ năm 1973, các hãng hàng không lớn khác của Mỹ đều có ít nhất một lần phá sản trong lịch sử. Nguồn tiền mặt mạnh như hiện tại làm dấy lên hy vọng lần này, các hãng có thể tránh được kích bản đó, nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc khi nào thì hoạt động vận chuyển hàng không phục hồi, mà thậm chí cả những người trong cuộc cũng không biết chắc.
Ông Philip Baggaley, trưởng bộ phận tín dụng phụ trách ngành hàng không của Standard & Poor's, tin rằng các hãng hàng không đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất mà không hãng nào bị phá sản. Song chuyên gia này cảnh báo, khác với loạt phá sản trong ngành bán lẻ hồi đầu năm ngoái diễn ra chỉ vài tuần hay vài tháng sau khi cuộc khủng hoảng diễn ra, các vụ phá sản trong ngành hàng không thường xảy ra vài năm sau một cuộc khủng hoảng tài chính. Phải đến năm 2005, tức vài năm sau sự kiện 9/11 thì các hãng Delta và Northwest mới nộp đơn phá sản, cũng như American Airlines nộp đơn vào năm 2011, khá lâu sau cuộc Đại suy thoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!