Ngày 1/7, phiên bản mã hóa NFT trên công nghệ chuỗi khối blockchain của đoạn mã nguồn World Wide Web khai sinh ra Tnternet đã được đấu giá thành công tại Mỹ với giá trị 5,4 triệu USD, tương ứng gần 125 tỷ đồng. Đây là ví dụ mới nhất cho thấy sức tăng trưởng nóng trên toàn cầu hiện nay của thị trường sản phẩm NFT - Non - Fungible Token, hiểu nôm na là một loại tập tin có tính "độc nhất vô nhị", nhờ được mã hóa trên công nghệ blockchain.
Việt Nam không ở ngoài xu hướng, khi năm nay đã bắt đầu xuất hiện một số nền tảng có ứng dụng NFT của doanh nghiệp, tổ chức trong nước thành lập nhưng trong một sự thận trọng nhất định.
Nhờ đặc tính của blockchain, NFT có giá trị vì nó có tính độc nhất, tất cả các thành viên trong hệ thống đều có thể giám sát nên không thể bị làm giả. NFT tồn tại trên thực tế dưới nhiều dạng tệp kỹ thuật số như tác phẩm nghệ thuật, âm thanh hay video, được xem như chứng chỉ xác thực quyền sở hữu với sản phẩm.
Theo Cổng Trời - nền tảng giao dịch tranh NFT đầu tiên của Việt Nam, phần lớn các sàn NFT trên thế giới tập trung vào những tác phẩm được tạo ra bằng kỹ thuật số thì đơn vị này lại ứng dụng NFT để số hóa tác phẩm tranh thực tế. Qua 2 tháng, đã có gần 20 tác phẩm bán thành công qua nền tảng này.
Ông Phạm Toàn Thắng - Sáng lập nền tảng NFT Cổng Trời cho biết: "Chúng tôi mong muốn dự án sẽ trở thành nơi lưu giữ và quảng bá các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam. Cổng trời sẽ nhận một phần lợi nhuận sau khi tác phẩm của nghệ sĩ hoàn thành việc giao dịch".
Trên các nền tảng NFT hoạt động chính thống - tức là đứng sau có pháp nhân đăng ký hoạt động tại Việt Nam hiện nay thì hầu hết sản phẩm NFT không chỉ tồn tại trên không gian số, mà được gắn liền với một sản phẩm thực. Nghĩa là cái mọi người giao dịch vẫn là tác phẩm vật lý có giá trị, nhưng được đính kèm theo phiên bản NFT như chứng chỉ chống hàng giả dù tính pháp lý trong quy trình vẫn còn nhiều băn khoăn cho người trong cuộc.
Theo chủ quản AvatarArt - một nền tảng giao dịch tranh ứng dụng NFT khác, để đảm bảo quyền lợi của người mua, nhất thiết trong quy trình phải có vai trò của các trung tâm lưu ký. Người bán bắt buộc phải mang tác phẩm thực tế đến để lưu trữ sau khi tạo ra phiên bản NFT bán cho người mua. Tuy nhiên, do tại Việt Nam chưa có khung pháp lý cho lĩnh vực này, sàn AvatarArt đang gặp khó trong việc tổ chức trung tâm lưu ký như vậy.
"Ngay bây giờ chúng ta cũng có thể thực hiện một giao dịch chẳng hạn. Giao dịch đấy do chúng ta có niềm tin với nhau thì nó sẽ thành công. Tuy nhiên để ứng dụng rộng rãi, chặt chẽ, bảo vệ được quyền lợi người dùng phải có hệ thống pháp lý", ông Nguyên Đức Mạnh - CEO ByteNext, chủ quản nền tảng NFT AvatarArt cho biết.
Vị đại diện AvatarArt cũng nhìn nhận đối với các tác phẩm NFT thuần túy được tạo ra trên số, độ biến động giá cũng rất lớn. Có thời điểm đầu năm nay giá trị của nhiều NFT giao dịch trên thế giới giảm đến 70% trong thời gian ngắn. Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những người không tìm hiểu kĩ lưỡng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!