Chỉ vài giờ sau quyết định hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Brazil tiếp tục hạ lãi suất xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 5%. Đây được xem là bước đi cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế số 1 Mỹ Latin trong bối cảnh lạm phát của Brazil đang giảm xuống dưới mức mục tiêu.
Còn tại châu Á, Cơ quan tiền tệ Hong Kong, Trung Quốc cũng đưa ra mức cắt giảm 0,25 điểm %, qua đó hạ lãi suất cơ bản xuống còn 2%. Động thái trên được cơ quan này đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Hong Kong vừa đối mặt với suy thoái lần đầu tiên trong một thập kỷ.
Phó Thống đốc cấp cao của Ngân hàng Hàn Quốc Yoon Myun-shik cho biết, quyết định hạ lãi suất của FED có nghĩa Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc có thể cắt giảm lãi suất chính sách nếu cần thiết. Ông này cũng bày tỏ tin tưởng, quyết định chính sách mới nhất của FED sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong một chiều hướng khác, Ngân hàng Trung ương Canada quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 1,75%, không thay đổi kể từ tháng 10/2018. Việc này khiến Canada trở thành nước có mức lãi suất chính thức cao nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu của thế giới. Thị trường lao động ổn định, chi tiêu tiêu dùng tăng và thị trường nhà đất tăng trưởng tốt là những yếu tố khiến Ngân hàng Trung ương Canada tin tưởng vào "sức khỏe" của nền kinh tế quốc gia.
Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ kết thúc trong ngày 31/10. Giới chuyên gia dự báo, nhiều khả năng BOJ sẽ tiếp tục trì hoãn việc áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang dần lắng dịu, giúp giảm bớt sức ép phải hạ lãi suất để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!