Các ngân hàng trung ương ưu tiên chống lạm phát

Thanh Hiệp-Thứ ba, ngày 15/03/2022 06:21 GMT+7

VTV.vn - Cuộc họp chính sách tháng 3 của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ diễn ra trong tuần này.

Bất chấp những rủi ro kinh tế từ cuộc xung đột tại Ukraine, giới hoạch định chính sách tại các ngân hàng trung ương được dự báo sẽ coi việc ứng phó với lạm phát tăng cao là ưu tiên hàng đầu.

Theo các chuyên gia, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành tăng lãi suất thêm nửa điểm % trong tháng 3 là điều khó có thể xảy ra, do những bất ổn kinh tế xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, một mức tăng 0,25 điểm % lại là điều hoàn toàn khả thi, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 2 đã tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Ông Greg Mcbride, Giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate.com, nhận định: "Chúng ta đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm qua và FED cần ưu tiên giải quyết vấn đề đó. Nếu họ tăng lãi suất quá chậm, lạm phát sẽ tiếp tục leo thang. Còn nếu họ tăng lãi suất quá nhanh, lạm phát có thể giảm, nhưng đồng thời nền kinh tế cũng sẽ bị kéo lùi lại.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Anh, nơi tỷ lệ lạm phát trong tháng giêng đã đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Ngân hàng trung ương Anh (BOE) dự kiến sẽ nâng lãi suất lần thứ 3 kể từ tháng 12 năm ngoái. Nhiều khả năng, mức tăng lãi suất sẽ chỉ là 0,25 điểm % thay vì 0,5 điểm % như kế hoạch ban đầu.

Ông Philip Shaw, chuyên gia kinh tế trưởng, Công ty Investec, nói: "Có đủ động lực cho một đợt tăng lãi suất nữa. Chúng tôi tin rằng, vào thời điểm hiện tại, BOE lo ngại về lạm phát cao hơn là nguy cơ nền kinh tế suy yếu, đặc biệt là khi lãi suất vẫn đang ở mức thấp".

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất, bởi tỷ lệ lạm phát tại nước này vẫn còn khá thấp. Đà phục hồi sau đại dịch của Nhật Bản cũng kém hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác, khiến cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ chưa thể sớm xảy ra.

Những diễn biến tại các thị trường mới nổi cũng sẽ nhận được nhiều sự chú ý. Brazil dự kiến sẽ nâng lãi suất lên mức 11,75%, lần tăng thứ 9 liên tiếp trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát hàng năm đã đạt mức 10%. Ngân hàng trung ương Nga cũng sẽ nhóm họp trong tuần này, sau khi đã tăng gấp đôi lãi suất, lên mức cao nhất mọi thời đại là 20%, nhằm ngăn chặn sự lao dốc của đồng rúp. Tuy nhiên, một nền kinh tế mới nổi khác là Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, thay vì thắt chặt để ứng phó với mức lạm phát đã ở mức cao kỷ lục 54% trong tháng 2.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước