Mới đây, ECB kết luận có tới 25/123 ngân hàng châu Âu không đủ khả năng chống chọi với kịch bản suy thoái và khủng hoảng, trong số đó, có tới 13 ngân hàng cần tăng khẩn cấp số vốn thêm 12 tỷ USD. Theo các chuyên gia, “những ngân hàng xác sống “ này làm dấy lên một nguy cơ đổ vỡ mới trong hệ thống ngân hàng trong khu vực kinh tế châu Âu.
Những ngân hàng xác sống ở châu Âu không thể bị đóng cửa vì lo ngại hoảng loạn sẽ tràn ngập thị trường, nếu giữ lại và phục hồi chúng sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD. Tuy nhiên, nếu để chúng tiếp tục hoạt động lay lắt, cả nền kinh tế vốn đã yếu ớt sẽ có nguy cơ sụp đổ.
Ông Alberto Gallo, chuyên gia phân tích tài chính quốc tế, nói: “Ngân hàng xác sống là những ngân hàng yếu kém và không thể cho vay. Nhà đầu tư không muốn đầu tư tiền của mình cho tới khi nợ xấu biến mất. Nhưng ngay cả khi các ngân hàng này có đủ vốn, họ cũng không thể cho vay”.
Cho tới nay, các quốc gia châu Âu vẫn từ chối hợp tác với ECB trong việc quản lý các ngân hàng yếu kém này. Tuy nhiên, bắt đầu từ hôm nay (4/11), mọi chuyện có thể thay đổi khi ECB bắt đầu đảm nhiệm trọng trách giám sát hệ thống ngân hàng tại châu Âu.
Ông Alberto Gallo cho biết thêm: “ECB đang đưa ra một thông điệp mạnh mẽ. Một ngân hàng xác sống chỉ có thể tiếp diễn các hoạt động yếu kém đến tháng 11. Các ngân hàng xác sống sẽ có nguy cơ bị phá sản“.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, điều này khó có thể thực hiện khi các chính phủ tiếp tục che đậy sự yếu kém của các ngân hàng này.