Vào giữa tuần trước, Phòng Sáng chế châu Âu đã công bố thống kê về số lượng hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế tại Liên minh châu Âu trong năm 2016. Tổng cộng trong năm đã có khoảng 160.000 sáng chế xin được pháp luật châu Âu bảo hộ bản quyền.
Số lượng bản quyền sáng chế là một chỉ số quan trọng trong cuộc đua giữa các tập đoàn tư bản cũng như giữa các quốc gia. Bí quyết công nghệ là thứ bán được, và bán với giá rất cao.
Năm ngoái, trong tổng số 160.000 sáng chế độc quyền được đăng ký trên lãnh thổ châu Âu, có tới 40.000 là từ các công ty của Mỹ. Tờ Mặt trời 24h của Italy tính ra, riêng người Mỹ đã chiếm tới 25% tổng số sáng chế đăng ký trong năm ngoái tại châu Âu. Đứng thứ nhì là Đức, tiếp nữa là Nhật bản đứng thứ ba.
Nước Pháp đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu khoa học và phát minh sáng chế, nhưng vẫn thua xa Đức và Nhật bản. Đa số sáng chế đăng ký năm ngoái là trong công nghệ y học, viễn thông và công nghệ máy tính.
Luật sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu quy định ba điều kiện để một sáng chế được bảo hộ độc quyền, đó là phải có tính mới, tính sáng tạo, và khả năng áp dụng được trong công nghiệp. Theo tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha, "số lượng sáng chế là thước đo sự sáng tạo của một quốc gia, và theo thước đo ấy, Tây Ban Nha chỉ đứng thứ 17 ở châu Âu, với hơn một ngàn rưỡi sáng chế đăng ký trong năm ngoái".
Nước Áo nhỏ xíu, với dân số chưa tới 9 triệu, cũng đăng ký tới 2.040 sáng chế, tuy về số lượng không vào nổi top 10, nhưng "tính theo số sáng chế trên một triệu dân, Áo đứng thứ 7 châu Âu". Tờ Der Standard cho là như thế cũng rất tốt, tuy rằng "Áo thua Thụy Sĩ, nhưng gấp đôi mức trung bình của cả châu Âu".
Trong top 10 châu Âu về số lượng sáng chế, ngoài 6 nước Tây Âu, không có một nước Đông Âu nào, nhưng có tới 3 nước châu Á, trong đó Trung Quốc tuy đứng thứ 6 nhưng có mức tăng ấn tượng. Tờ Le Figaro của Pháp nhận thấy "số lượng sáng chế độc quyền của Trung Quốc đăng ký trong năm ngoái đã tăng tới 25% so với năm trước đó".
Riêng tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã đăng ký tới gần 2.400 sáng chế, chỉ đứng sau tập đoàn Philips của Hà Lan và trên cả Samsung của Hàn Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!