Tháng trước, tập đoàn sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel đã thu hút sự chú ý khi cho biết sẽ đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy bán dẫn mới ở bang Arizona. Đây là trọng tâm chiến lược đầy tham vọng của Intel nhằm thay đổi tình trạng các doanh nghiệp Mỹ phải phụ thuộc vào chip sản xuất ở nước ngoài.
Ông Pat Gelsinger, Giám đốc Điều hành tập đoàn Intel, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với chất bán dẫn, từ quá trình số hóa của thế giới. Quá trình này đã được đẩy mạnh trong đại dịch và thúc đẩy nhu cầu về chất bán dẫn. Thế giới cần một chuỗi cung ứng cân bằng, sẵn có ở mọi nơi. Intel đang đáp ứng nhu cầu đó với các nỗ lực mở rộng sản xuất tại Mỹ, châu Âu".
Còn tại châu Á, TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới của Đài Loan (Trung Quốc), mới đây tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỷ USD vào sản xuất các sản phẩm chip tiên tiến trong 3 năm tới để giải cơn khát chip toàn cầu. Một báo cáo nghiên cứu của IC Insights vừa được công bố cho thấy, TSMC cùng với Samsung (Hàn Quốc) sẽ chiếm tới 43% tổng mức đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn trong năm nay.
Bên cạnh nỗ lực đầu tư của các doanh nghiệp lớn, chính phủ nhiều nước cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Giới chức Mỹ đang cân nhắc một khoản đầu tư 30 tỷ USD để thúc đẩy năng lực cạnh tranh ngành sản xuất chip, trong khi châu Âu và Nhật Bản cũng lên kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các nhà máy sản xuất chip tiên tiến. Một nền kinh tế lớn khác là Trung Quốc cũng đã cấp nhiều khoản hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất chip khi muốn giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây.
Ông Sun Fengchun, Chuyên gia Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, chia sẻ: "Trung Quốc đang thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chip nội địa. Mặc dù quy mô của ngành này tại Trung Quốc còn tương đối nhỏ nhưng nó sẽ đóng vai trò quyết định đến việc liệu ngành công nghiệp ô tô - trụ cột của ngành sản xuất Trung Quốc có thể phát triển một cách bền vững, độc lập và có kiểm soát hay không".
Việc các nước đẩy mạnh những kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn riêng biệt được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt nguy cơ thiếu hụt chip như hiện nay. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo, sự đầu tư quá mức có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường trong một ngành công nghiệp có tính chu kỳ cao như sản xuất chip.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!