Chốt phiên giao dịch đáng chú ý hôm qua (8/3), chỉ số CSI 300 đã giảm 3,5% và giảm 13% so với mức đỉnh hôm 10/2. Trong khi đó, chỉ số ChiNext theo dõi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng lao dốc 5%.
Theo một số chuyên trang tài chính, nguyên nhân của đà giảm lần này là do lo ngại về thị trường thanh khoản cũng như mức định giá ngất ngưởng của một số loại cổ phiếu được yêu thích trong đại dịch, điển hình như cổ phiếu công nghệ.
"Đà tăng của các cổ phiếu công nghệ trong những tháng qua thật sự là điên rồ nên sự điều chỉnh lần này thực ra là một dấu hiệu tốt", bà Michelle Lam - chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Soc Gen nói.
Đà giảm lần này đã xoá sạch hàng trăm tỷ USD vốn hoá thị trường của một số doanh nghiệp vốn đang là con cưng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Mao Đài - nhà sản xuất rượu nổi tiếng, kể từ tháng 2 đã mất hơn 120 tỷ USD. Nối gót thị trường Trung Quốc đại lục, sàn chứng khoán Hong Kong hôm qua cũng ghi nhận đà giảm của chỉ số công nghệ Hang Seng Tech Index sau màn trình diễn ảm đạm của những cái tên quen thuộc như Tencent hay Alibaba.
Làn sóng rút vốn dữ dội ra khỏi các cổ phiếu có mức giá cao ở Trung Quốc cũng tương tự với xu hướng trên toàn cầu, khi các cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2020 đều đồng loạt giảm mạnh vì lợi suất trái phiếu tăng cao như Tesla và quỹ ETF của nhà đầu tư đại tài Cathie Wood.
Trong phiên giao dịch đêm qua (theo giờ Việt Nam), sàn Nasdaq đã rớt khỏi các mức cao trong 1 tháng và chính thức rơi vào vùng điều chỉnh. Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD. Gói này đã nâng lợi suất trái phiếu, gây áp lực lên các cổ phiếu công nghệ và làm dấy lên lo ngại lạm phát.
Trái ngược với Nasdaq, chỉ số công nghiệp Dow Jones có một phiên khởi sắc. Gói 1,9 nghìn tỷ này được cho là liều thuốc bổ cần thiết lúc này với rất nhiều công ty thuộc chỉ số Dow Jones, trong khi công nghệ tiếp tục lao dốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!