Các thương hiệu cạnh tranh tại Olympic Paris 2024

VTV Digital-Thứ năm, ngày 01/08/2024 09:47 GMT+7

VTV.vn - Tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 có đến 2/3 số nhà tài trợ đến từ các công ty đa quốc gia, trong đó ngành tài chính và may mặc đóng vai trò chủ đạo.

Đã gần 1 tuần kể từ khi Thế vận hội Olympic 2024 khai mạc tại Paris, Pháp. Hơn 10.000 vận động viên đã, đang, và sẽ tham gia thi đấu tại Thế vận hội năm nay. Nhưng họ không phải những người cạnh tranh duy nhất, mà các thương hiệu cũng đang có 1 "trận chiến" giành giật sự quan tâm của người tiêu dùng. Dự kiến khoảng 1,5 tỷ người trên khắp thế giới sẽ hướng về Paris. Do vậy các thương hiệu cũng tranh thủ, nghĩ ra các chiến lược để có thể nổi trội nhất có thể.

LVMH, cha đẻ của một loạt các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Moet Hennesy, Dior… là nhà tài trợ lớn nhất cho Olympic 2024, đóng góp 166 triệu USD, trong tổng số dự kiến 1,3 tỷ USD tài trợ từ các nguồn. Tập đoàn xa xỉ này đã đảm bảo khả năng hiện diện ở khắp mọi nơi từ những chiếc huy chương, trang phục cho đội tuyển Pháp, cho đến quần áo dành cho tình nguyện viên tại Olympic.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch của Tập đoàn Media Vietnam Ventures cho hay: "Đối với các kỳ Olympic thì các hãng quảng cáo đều coi nó là một yếu tố tác động mạnh đến việc họ phán đoán về doanh thu của mình trong năm và họ coi đó là một trong những động lực tăng trưởng".

Nghiên cứu của SponsorUnited cho biết 86% nhà tài trợ trong Thế vận hội Tokyo chủ yếu là từ các thương hiệu nội địa, với một phần tư trong số đó đến từ ngành công nghệ. Ngược lại, 2/3 số nhà tài trợ cho Olympics Paris 2024 đến từ các công ty đa quốc gia, trong đó ngành tài chính và may mặc đóng vai trò chủ đạo. Không chỉ dừng lại ở năm nay, 1/3 các mối quan hệ đối tác "chiến lược" sẽ tiếp tục hợp tác, tham gia các Thế vận hội sắp tới.

Đáng chú ý, gã khổng lồ ngành sữa Mengniu của Trung Quốc đã ký hợp đồng tài trợ dài hạn với Thế vận hội, có hiệu lực từ năm 2021 đến năm 2032. Các doanh nghiệp lớn khác của Trung Quốc cũng muốn hợp tác với Thế vận hội bao gồm công ty công nghệ Alibaba, nhà bán lẻ quần áo thể thao Anta, nhà sản xuất xe điện BYD, hay công ty công nghệ Vivo… Những thương hiệu này đã nhận được sự chú ý lớn trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch của Tập đoàn Media Vietnam Ventures cho biết: "Olympic được coi là một sự kiện toàn cầu cho nên những công ty đa quốc gia và cũng phải nói thật là những người nào có nhiều tiền nhất thì họ mới tham gia".

Các chuyên gia trên thị trường cho rằng cơ hội được làm việc với những vận động viên giỏi nhất thế giới giúp thương hiệu tiếp cận lượng fan hâm mộ đông đảo theo dõi sự kiện qua các nền tảng khác nhau, từ đó khai thác cơ hội kinh doanh.

Ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Decision Lab thông tin: "Cách thức lồng ghép quảng cáo thương hiệu cũng đa dạng, từ việc tài trợ cho các đội tuyển, cho đến tài trợ cho các hoạt động của Thế vận hội. Sức hút mạnh mẽ của Olympic có thể giúp đẩy mạnh các thương hiệu quốc gia, đến với người tiêu dùng quốc tế".

Không chỉ tại Olympic, thị trường tài trợ thông qua các sự kiện thể thao trên toàn cầu đạt hơn 97 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023. Và dự đoán, ngành này sẽ tăng trưởng kép, với mức 8,68% mỗi năm cho đến năm 2030, đạt giá trị gần 190 tỷ đô la Mỹ.

Rất nhiều chuyên gia về thị trường đã nhấn mạnh việc tiếp xúc với thương hiệu sẽ có tác dụng lâu dài, để xây dựng mối liên hệ với người tiêu dùng, đặc biệt là qua các sự kiện thể thao, các thương hiệu có thể nắm bắt những khoảnh khắc "đầy cảm xúc" để ghi dấu ấn trong tâm trí khán giả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước