Chỉ còn hơn một tháng nữa, Thế vận hội Olympic 2024 sẽ chính thức khai mạc tại thủ đô Paris của Pháp. Trong tuần qua, báo chí Pháp đã xem xét Thế vận hội sắp diễn ra dưới góc độ kinh tế, những ngành nào được hưởng lợi và ngành nào đang chịu thiệt hại.
Tuần vừa rồi thành phố Paris bắt đầu bố trí lại giao thông nội thị, phân luồng cấm xe, chuẩn bị cho lễ khai mạc Thế vận hội.
Tờ Le Figaro ra ngày thứ Tư vừa rồi liệt kê ngay những doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, ít ra trong tuần ngay sát trước khai mạc. Bài báo viết: "Tình hình sẽ trở nên khó khăn thêm nữa đối với quán xá dọc sông Seine". Hai tuyến đường ven sông bị quây thành khu vực hạn chế. "Để vào quán làm một ly, khách hàng phải đặt chỗ với quán đã đành, lại phải lên trang web của sở Cảnh sát Paris đăng ký, tải lên giấy tờ tuỳ thân cùng ảnh, chờ vài ngày sau mới lấy được mã vuông QR". Các quán tin rằng, chẳng có mấy khách hàng chịu làm ngần ấy thủ tục. Một vấn đề nữa là các quán vẫn "chưa biết xe tải cung ứng nguyên vật liệu cho quán có vào được tận nơi hay không". Ông Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn nói với phóng viên tờ báo rằng "Giao thông phức tạp thế thì sẽ ít người muốn tới Paris. Nhà hàng và khách sạn sẽ hoạt động kém hơn so với mọi mùa hè bình thường khác".
Các khách sạn Paris thuận lợi hơn một chút so với các nhà hàng. Giá phòng khách sạn Paris có tăng so với mọi năm. Tờ Tây Pháp có biểu đồ, so với năm ngoái, trong hai tháng diễn ra Thế vận hội, giá phòng tháng 7 tăng gấp đôi, tháng 8 tăng gấp rưỡi. Nhưng khách sạn không bán được hết phòng, bây giờ vẫn còn rất nhiều phòng trong hai tháng đó chưa có ai đặt cả. Hiệp hội Khách sạn cho biết không bất ngờ khi "khách sạn còn nhiều phòng trống, vì cứ theo những gì đã diễn ra trong Thế vận hội London trước đây, tỷ lệ phòng có khách trong thời gian diễn ra Olympique chỉ là 72%". Tóm lại là không vì có Thế vận hội mà khách sạn có nhiều khách hàng hơn.
Báo chí Pháp thường hay so sánh với Thế vận hội London, bởi vì London và Paris có nhiều điểm tương đồng. Cho nên khi viết về khía cạnh kinh tế, tờ Le Figaro mới nhắc độc giả rằng, lợi ích lâu dài mới là quan trọng. Bài báo viết: Hồi đó "London đã nhân dịp Olympique, cải biến một khu công nghiệp hoang phế rộng 230 ha cống rãnh chằng chịt ở ngoại ô phía Đông thành làng Olympique, xây sân vận động, bể bơi, sân đua xe đạp và chỗ ở cho các đoàn thể thao". Giờ đây, đó là quận Stratford sầm uất, "6.000 người sống trong các căn hộ xưa kia là làng Olympique", xung quanh là siêu thị, văn phòng, trường học, bệnh viện… giá trị bất động sản tăng vọt từ một khu đất bỏ hoang. Tại Pháp, một nghiên cứu quy mô và chi tiết đã ước đoán, thành phố Paris hưởng lợi trong khoảng từ 7 cho đến 11 tỷ Euro trong vòng 18 năm nhờ tổ chức Thế vận hội mùa hè năm nay.
Với niềm mong mỏi của các hộ kinh doanh, hy vọng Olympic năm nay sẽ không chỉ mang về số lượng du khách lên đến khoảng 15 triệu người, mà theo đó, còn cả những lợi ích về kinh tế cho không chỉ Paris, mà cả những vùng lân cận, chẳng hạn như vùng biển Normandie, nơi nổi tiếng với bãi biển đẹp, đã đi vào không ít tác phẩm hội họa...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!