Mới đây, Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng phê duyệt "Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu".
Đề án này được xây dựng nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đề án cải cách toàn diện theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước; giảm chi phí, thời gian thông quan, tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng…
Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được thực hiện theo 3 phương thức. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Đề án cũng đã đưa ra 7 phương án cải cách và nội dung mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được thực hiện theo 3 phương thức (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, phương thức kiểm tra giảm). Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ chặt sang thông thường, từ thông thường sang giảm) áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu và quá trình chuyển đổi được áp dụng trong thời hạn nhất định hoặc cho đến khi hàng hóa có quy chuẩn mới thay thế cho quy chuẩn cũ.
Theo mô hình mới, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao/chỉ định. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm.
Đề án cũng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Trong đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đề án và chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Bên cạnh đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đề án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!