Cải cách như thế nào để BHXH hấp dẫn người lao động hơn?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 27/10/2021 06:18 GMT+7

VTV.vn - Gần 1,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau song số người rời bỏ hệ thống hàng năm vẫn lớn hơn số phát triển mới.

Phần lớn những người dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đều rút bảo hiểm xã hội một lần chứ không tham gia tiếp. Đóng BHXH 20 năm mới được hưởng chế độ hưu trí, thời gian được cho là quá dài.

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một trong những vấn đề lớn được Quốc hội thảo luận là tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH.

Từ năm 2018 đến nay, có gần 1,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau song số người rời bỏ hệ thống hàng năm vẫn lớn hơn số tham gia mới.

Chỉ riêng từ năm ngoái đến nay, số người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã ít đi gần 1 triệu người và phần lớn những người dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đều rút bảo hiểm xã hội một lần chứ không tham gia tiếp. Đây là một thách thức thực sự đối với an sinh xã hội trong những năm tới khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Bảo hiểm xã hội chưa hấp dẫn người lao động

Sau một năm không đi làm, chị Đào Thị Huệ ở Long Biên, Hà Nội quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần được hơn 18 triệu đồng. Khoản tiền này được chị sử dụng làm vốn buôn bán lặt vặt tại nhà. Cái chị nhìn thấy là thu nhập hàng tháng nuôi sống gia đình, còn về tương lai thì chị chưa tính tới.

Còn chị Nguyễn Thị Kim Dung ở Hà Nội rút bảo hiểm do mất việc, thu nhập không có. Dù đang mang bầu, chị Dung vẫn đi làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Chị cũng không biết có tham gia bảo hiểm xã hội tiếp hay không vì điều này còn phụ thuộc vào việc làm sau khi sinh nở.

Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần không phải là mới nhưng năm nay số lượng người rút gia tăng do dịch bệnh, đời sống khó khăn dù biết rằng sẽ thiệt thòi về sau.

Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm những ngày gần đây ghi nhận số người đến làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 30 % so với cùng kỳ năm ngoái. Dù được cơ quan bảo hiểm xã hội tư vấn, giải thích về quyền lợi nếu bảo lưu năm đóng hoặc chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện nhưng khá ít người đồng ý.

Cải cách như thế nào để BHXH hấp dẫn người lao động hơn? - Ảnh 1.

Giải pháp cho tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần

Trong buổi thảo luận ở tổ mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề nếu giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm thì sẽ hạn chế tình trạng rút BHXH một lần và cần sớm ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kèm theo đó là Luật về việc làm, qua đó sẽ quản lý tốt hơn số người hưởng BHXH một lần.

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn khi tỷ lệ người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều đại biểu cho rằng, cần có giải pháp khắc phục bởi nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

Ông Nguyễn Hải Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Nếu như chúng ta có thể thiết kế đươc hệ thống bảo hiểm xã hội nó đa tầng đa loại hình linh hoạt trong việc đóng kể cả mức đóng trong một năm có thể điều chỉnh hoặc mức đóng trong một nhiệm kỳ có thể điều chỉnh, chúng ta có thể thu hút được rất nhiều người tham gia.

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Cơ chế nhận bảo hiểm về các điều kiện linh hoạt cả về thời gian không gian để làm sao người ta có thể chọn cái nào đến trước. Có thể mức đóng đến trước, người ta có thể muốn rút ngắn về mặt thời gian hoặc nếu người ta không có điều kiện tài chính, người ta buộc phải chấp nhận về mặt thời gian để chọn mức đóng.

Theo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đến hết năm ngoái, tổng số kết dư của Quỹ BHXH và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt trên 953 nghìn tỷ đồng. Đây là mức chênh lệch thu chi .Trong đó gồm: Quỹ Ốm đau và Thai sản; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; Quỹ Hưu trí, tử tuất và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, các quỹ có tính chất ngắn hạn về cơ bản đều bảo đảm khả năng chi trả, có kết dư lớn.

Còn theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH: Mấy năm trước cứ nhắc đến Quỹ BHXH thì câu cửa miệng là lo "vỡ quỹ". Thế nhưng thực tế mấy năm qua kết dư của Quỹ tương đối tốt, các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn… được chi cơ bản rất tốt.

Cụ thể là trải qua 4 đợt dịch COVID-19, cả doanh nghiệp và người lao động đều đứng trước những thách thức chưa từng có. Và cũng thời điểm này, các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Quỹ bảo hiểm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp

Cải cách như thế nào để BHXH hấp dẫn người lao động hơn? - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Trung bình, mỗi lao động được nhận từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đây là đợt hỗ trợ lớn nhất từ Quỹ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động với số tiền lên tới 30 nghìn tỷ cho 12,8 triệu lao động trên cả nước.

Không chỉ người lao động mà doanh nghiệp cũng được miễn đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong một năm. Có 3.000 lao động, mỗi tháng doanh nghiệp này được giảm đóng hơn 500 triệu. Nếu được miễn đóng cả bảo hiểm xã hội thì một năm doanh nghiệp tiết giảm thêm 50 tỷ chi phí. Số tiền này sẽ được tập trung vào phát triển sản xuất tạo thêm việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giày Đông Anh, cho biết: "Mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng công tác phòng chống dịch trong nhà máy còn phải thực hiện lâu dài, chi phí phát sinh nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ xem xét giảm tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội cho cả người lao động và người sử dụng lao động từ 1 đến 2 năm".

Năm 2020, số tiền thu BHXH bắt buộc là 261.700 tỷ đồng, tăng gần 6,3% so với năm 2019. Tổng chi chế độ từ nguồn quỹ BHXH là trên 193.600 tỷ đồng, tăng 8,47%. Tổng kết dư của Quỹ BHXH và Quỹ BHTN ước đạt 953.070 tỷ đồng. Do đó, nếu có miễn giảm hay hoãn không đóng bảo hiểm xã hội từ 1 đến 2 năm cũng không ảnh hưởng quá lớn đến bảo tồn quỹ và giúp doanh nghiệp có cơ hội hồi phục nhanh chóng.

Theo Bộ trưởng Bộ tài chính, số tiền kết dư của các quỹ bảo hiểm đang được dùng mua trái phiếu Chính phủ với hơn 80%, còn lại gửi 5 ngân hàng Nhà nước. Tương lai sẽ tổ chức đấu thầu lãi suất để gửi vào các ngân hàng, đảm bảo hiệu quả tiền quỹ. Việc hưởng BHXH một lần là nhu cầu chính đáng của người lao động tùy theo hoàn cảnh. Do đó việc tìm ra giải pháp và có những sửa đổi luật cho phù hợp là cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững BHXH. Trong phiên họp toàn thể ngày mai, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020. Những nội dung này sẽ được đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15.

Chương trình Vấn đề hôm nay với khách mời là ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước