Tỷ lệ thu BHXH cao quá, người dân, doanh nghiệp có thể không chịu nổi

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 22/10/2021 17:55 GMT+7

VTV.vn - Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2020 của người lao động là 5,68 triệu đồng/tháng, tăng 6,05% so với năm 2019.

Chiều nay (22/10), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quá lớn - gần 1 triệu tỷ đồng. Từ kết dư quá lớn này, đại biểu Trí đề nghị cần xem lại tỷ lệ chi, mức chi, nội dung chi cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc và thất nghiệp.

Tỷ lệ thu BHXH cao quá, người dân, doanh nghiệp có thể không chịu nổi - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Theo báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Uỷ ban Xã hội cho biết đến hết năm 2020, tổng số kết dư của Quỹ bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt gần 953.078 tỷ đồng, trong đó: Quỹ Ốm đau, thai sản là 13.472 tỷ đồng; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là 54.089 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất là 794.920 tỷ đồng và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 90.597 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị xem lại mức thu của BHXH. Ông Trí dẫn chứng việc tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2020 của người lao động là 5,68 triệu đồng/tháng, tăng 6,05% so với năm 2019. Đại biểu đoàn Hà Nội đánh giá mức lương chỉ sống được ở vùng nông thôn, nếu ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thì rất khó khăn.

Ngoài ra theo báo cáo, năm 2020, tổng số thu bảo hiểm xã hội đạt kế hoạch đề ra với mức 265.692 tỷ đồng. Trong đó, số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 6,25%, cho dù tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng cần đánh giá cụ thể vấn đề này bởi năm 2020, người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng lớn bởi COVID-19.

"Cần xem lại tỷ lệ thu, vì nếu cao quá người dân và doanh nghiệp có thể không chịu nổi", ông Trí cho biết.

Doanh nghiệp vi phạm, người lao động gánh hậu quả

Cũng tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội) nhấn mạnh tình trạng các doanh nghiệp tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH có chiều hướng tăng nhanh do tác động của dịch COVID-19, làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến quyền lợi của người lao động.

"Chúng ta đều biết rằng, khi doanh nghiệp nợ BHXH thì người lao động sẽ không được hưởng, giải quyết các trợ cấp như ốm đau, thai sản, tử tuất... Trong khi đó người lao động vẫn thực hiện đủ nghĩ vụ đóng từ 10-15%, tức là hoàn thành nghĩa vụ của mình. Điều này khiến rất nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra, khiến đời sống của người lao động đã khó khăn lại càng khó khăn hơn", ông Thường cho biết.

Tỷ lệ thu BHXH cao quá, người dân, doanh nghiệp có thể không chịu nổi - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội)

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, có trường hợp người lao động sinh con thứ hai rồi nhưng việc giải quyết chế độ thai sản lần thứ nhất vẫn chưa thực hiện được; có trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được cấp sổ do doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH….

"Điều bất hợp lý là doanh nghiệp vi phạm nhưng người lao động lại phải gánh hậu quả", ông Thường đánh giá.

Cũng theo ông Thường, có tình trạng doanh nghiệp xây 2 bảng lương, 1 bảng lương để đóng bảo hiểm, 1 bảng lương để trả cho NLĐ, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Khó kiện ông chủ của mình

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp trốn, nợ đọng BHXH, theo ông Thường, Luật BHXH đã có hiệu lực từ năm 2016, trong đó tổ chức Công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, 6 năm qua chưa có doanh nghiệp vi phạm nào được tòa án đưa ra xét xử. Vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật.

"Thẩm quyền khởi kiện hiện nay được giao cho công đoàn cơ sở. Tuy nhiên chủ tịch công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, ăn lương của doanh nghiệp, nên rất khó khởi kiện ông chủ của mình. Khi sửa đổi Luật BHXH, chúng tôi đề xuất nghiên cứu, giao quyền khởi kiện này cho công đoàn cấp trên thực hiện", đại biểu Thường đề xuất.

Theo báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Uỷ ban Xã hội cho biết tổng số tiền nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội là 15.129 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, tăng 2.013 tỷ đồng so với 2019; nợ lãi chậm đóng là 3.016 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng số nợ.

"Số nợ, chậm đóng có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù khi hết thời hạn tạm dừng đóng", bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước