Nếu không hoàn thành Cảng hàng không Long Thành vào năm 2025, tình trạng tắc nghẽn giao thông hàng không khu vực kinh tế phía Nam sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy, Chính phủ chỉ đạo liên tục và quyết liệt yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hàng không lớn nhất này cả nước này.
Với mức đầu tư hơn 4,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo các chuyên gia kinh tế, nếu lựa chọn phương án vay ODA sẽ gây áp lực lên nợ công. Hơn nữa, để tiếp cận nguồn vốn này luôn đi kèm những điều kiện ràng buộc có thể làm tăng suất đầu tư.
Còn đối với phương án đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư, mặc dù đảm bảo tính khách quan nhưng sẽ khó tránh khỏi việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế bỏ giá thấp với mục đích thắng thầu. Phương án này cũng sẽ kéo dài thời gian hoàn thành dự án ít nhất 18 tháng.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho biết, xu thế chung trên thế giới là đơn vị nào đầu tư thì đơn vị đó khai thác vì vừa thuận lợi hơn trong việc mở rộng quy mô của cảng, vừa đảm bảo hơn hiệu quả đầu tư. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết đã sẵn sàng mọi phương án về nhân lực, quản trị và tài chính nếu được giao đầu tư dự án này.
Cũng theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, nếu mức lãi vay cao nhất là 6%/ năm, doanh nghiệp có thể đảm bảo trả nợ trong 20 năm, đồng thời để ra khoản lợi nhuận hơn 700 triệu USD để tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án.
Việc nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã hoàn thành và sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 tới để lựa chọn phương thức cũng như nhà đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!