Nước ta có nhiều địa phương nằm tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là lợi thế để các địa phương có thể dễ dàng đưa hàng hóa xuất sang Campuchia và xa hơn là những nước Tiểu vùng sông Mekong. Thấy được lợi thế này, Chính phủ đã có chủ trương thành lập các khu kinh tế cửa khẩu ở vùng giáp biên.
Trái với sự kỳ vọng của các địa phương, những khu kinh tế cửa khẩu ở ĐBSCL lại phát triển rất ì ạch. Thậm chí, tại tỉnh An Giang, khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên còn rơi vào cảnh hoang vắng dù vài năm trước, nơi đây là điểm sáng thu hút đầu tư ở vùng biên giới, đón khoảng 1 triệu lượt khách và đạt doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Việc chính sách thay đổi đã khiến khu thương mại bị đóng cửa, khu kinh tế cửa khẩu cũng hoang vắng theo.
Mới đây, tỉnh An Giang đã kiến nghị Chính phủ cho chuyển đổi công năng Khu siêu thị miễn thuế và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp tiếp tục đến đầu tư. Giải pháp chuyển đổi công năng có thể giúp tận dụng cơ sở vật chất hiện có, nhưng để giải quyết bài toán thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu vẫn cần có những chính sách đặc thù riêng. Mặt khác, chính sách ưu đãi cũng phải nhất quán, xuyên suốt và tránh xáo trộn. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư phát triển lâu dài ở các khu kinh tế cửa khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!