Tới nay, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định. Chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh đã được nâng lên, đồng thời giảm áp lực chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít tồn tại, xuất phát từ việc thiếu cơ chế tự chủ rõ ràng và thực sự tường minh đối với các bệnh viện công lập. Đây cũng là nội dung của buổi hội thảo khoa học do Kiểm toán Nhà Nước tổ chức sáng nay (18/1).
Theo Kiểm toán Nhà Nước, các quỹ phúc lợi khen thưởng, quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp có hiện tượng sử dụng sai mục đích; hay như việc liên doanh liên kết với khu vực tư, có trường hợp chỉ 1 chiếc máy tính, Kiểm toán Nhà Nước xét theo giá nhập ở hải quan, nhưng tới bệnh viện lại đội lên nhiều lần.
Bên cạnh mặt tích cực, tự chủ về nguồn thu lại cũng chính là áp lực với các bệnh viện công, dẫn tới hiện tượng chèo kéo khách và phá vỡ hoạch định bệnh viện công để chạy theo doanh thu. Đại diện Bộ Y tế cho biết, giá dịch vụ sẽ được rút gọn trong thời gian tới.
Chuyên gia nhấn mạnh, do cơ chế tự chủ chưa được cụ thể hóa triệt để trong luật, nên nếu dựng hàng rào pháp lý lên, thì lãnh đạo các bệnh viện tự chủ sẽ đều khó tránh khỏi trách nhiệm trong nhiều trường hợp.
Hiện Việt Nam có tỷ lệ chi tiêu y tế trên GDP thuộc hàng cao nhất khu vực, trong đó có tới 43% là cho dược phẩm. Theo chuyên gia, đây là mức cao bất hợp lý. Việc hoàn thiện khung pháp lý trong cơ chế tự chủ của bệnh viện công lập sẽ phần nào giúp tiết giảm ngân sách và giảm áp lực đối với người khám chữa bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!