Cần nguồn vốn dài hạn cho chuỗi liên kết ngành gạo

Thúy Lan, Mai Phương-Thứ ba, ngày 18/04/2023 21:15 GMT+7

VTV.vn - Để tăng giá trị và hình thành các chuỗi liên kết ngành gạo, các doanh nghiệp cần có nguồn vốn dài hạn hơn.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến cuối tháng 2 vừa qua, dư nợ cho vay đạt hơn 99.000 tỷ đồng, chiếm 55% dư nợ cho vay ngành lúa gạo trên toàn quốc. Tháng 3, là thời gian thu hoạch cao điểm vụ Đông Xuân, Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cho vay thu mua, kinh doanh thóc gạo.

Là doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo với các hợp tác xã, cái khó nhất của doanh nghiệp là khi vào mùa vụ thu mua lúa cần một lượng tiền rất lớn. Với lượng lúa thu mua khi vào vụ khoảng 1 - 2 tấn/ngày, doanh nghiệp cần khoảng vài tỷ đồng. Chính vì vậy, kênh tài trợ của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết là rất cần thiết.

Chỉ tính riêng vụ đông xuân năm nay, các chuyên gia tính toán, cần khoảng 70.000 tỷ đồng mới có thể mua hết 10 triệu tấn lúa cho bà con nông dân.

"Cần cơ chế chính sách là chúng ta đã đủ rồi. Bây giờ chúng ta cần giải pháp để thực thi cơ chế chính sách đó. Ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay, nhưng chỉ cho vay phần ngọn, tức là vay để thu mua lúa, gạo chế biến xuất khẩu. Còn vay để thực hiện cải cách chuỗi từ khi gieo sạ đến khi tạm trữ, chế biến, bảo quản, xuất khẩu... thì không có", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết.

Cần nguồn vốn dài hạn cho chuỗi liên kết ngành gạo - Ảnh 1.

Kênh tài trợ của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết là rất cần thiết. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Cả một chuỗi như thế chu kỳ thời gian rất dài, ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp: thứ nhất là hỗ trợ vốn trung hạn và dài hạn, hai là hỗ trợ chính sách vay", ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Liên Hạnh, nói.

Hiện nay, liên kết trong ngành hàng lúa gạo này mới đạt khoảng 20%. Theo các ngân hàng, đây là lý do lớn nhất dòng vốn vào ngành hàng này chưa được nhiều.

"Vai trò của chủ vựa lúa đang chính là chủ thể đầu chuỗi, họ ứng vốn, ứng chi phí sản xuất. Đến mùa thu hoạch, chính họ là người thu hoạch và sau khi trừ chi phí, họ sẽ trả lại một phần thu nhập cho người có đất, có ruộng. Ngân hàng chúng tôi nhiều lần tự hỏi chúng ta đóng vai trò cấp vốn, nhưng chúng ta không thể đứng ra để quản lý chuỗi được", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nêu quan điểm.

Theo dự báo, năm nay xuất khẩu gạo có thể đạt kim ngạch khoảng 4 tỷ USD. Nhiều chuyên gia nhận định nếu dòng vốn ngân đổ vào đúng các chuỗi liên kết, khuyến khích các doanh nghiệp làm chuỗi giá trị liên kết sâu rộng với người nông dân, mức kim ngạch có thể tăng lên gấp 2, thậm chí gấp 3 là hoàn toàn khả thi.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới

VTV.vn - Bộ Công Thương cho biết, trong nhiều tháng, giá gạo 5% tấm xuất khẩu luôn ở mức cao nhất thế giới, vượt Thái Lan và Ấn Độ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước