Kết thúc 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo chỉ đạt 789.000 tấn, mang về 417 triệu USD, giảm gần 19% về lượng và giảm gần 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Lô gạo chất lượng cao chuẩn bị xuất khẩu đi Trung Quốc. Nhà máy rất phấn khởi, vì sau nhiều tháng chững lại, hiện Trung Quốc và nhiều thị trường đang tăng cường mua gạo của Việt Nam.
"Philippines, Indonesia, Malaysia, hay các nước Trung Đông, đặc biệt Trung Quốc đã bắt đầu có tín hiệu tương đối tốt. Cụ thể nhà máy chúng tôi vừa ký được trên 2.000 tấn gạo xuất đi Trung Quốc và đang chuẩn bị xuất hàng, đồng tiếp tục đàm phán tiếp lô hàng khoảng 20.000 tấn", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết.
"Đối với Trung Quốc, mặt hàng gạo cần nâng cao chất lượng hơn so với trước đây, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tính toán đến vấn đề chất lượng và các tiêu chuẩn Trung Quốc đặt ra", ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang, nhận định.
Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... trong quý I, II năm nay sẽ ổn định. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Các nhà máy gạo tại ĐBSCL cho biết, mặc dù xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm có giảm, nhưng khả năng phục hồi sẽ rất nhanh. Bởi bước sang tháng 3, các nước đều có nhu cầu dự trữ lương thực khá lớn. Thêm vào đó, với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm, chất lượng cao, nên có giá bán tốt.
Hiện ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Theo các nhà máy, nếu được tiếp cận nguồn vốn dồi dào, tăng cường việc thu mua, tạm trữ, sẽ giúp đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Đây cũng là vụ mùa cho ra sản lượng lúa chất lượng tốt nhất để các nhà máy chế biến và gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Tiềm năng xuất khẩu gạo vào Philippines
Hiện nay, Philippines hiện đứng đầu các nước về tiêu thụ gạo của Việt Nam. Trung bình mỗi năm, nước này có thể sản xuất được 12,5 triệu tấn gạo. Trong khi tổng nhu cầu vào khoảng 15,5 triệu tấn. Để bù đắp sự thiếu hụt, hàng năm, Philippines cần nhập khẩu từ 2,5 - 3,5 triệu tấn gạo. Đây chính là cơ hội đối với ngành lúa gạo Việt Nam.
"Năm 2021 - 2022, lượng gạo và kim ngạch gạo xuất khẩu của Việt Nam vào Philippines đã chiếm tới gần 45% về lượng và chiếm 43% về tổng lượng trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đối với Philippines, gạo của Việt Nam không chỉ là mặt hàng nhập khẩu thông thường, mà còn là mặt hàng quan trọng, bởi giúp đảm bảo an ninh lương thực cho Philippines. Hiện nay, lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Gạo của Việt Nam có vị trí, chỗ đứng tốt tại thị trường này, bởi gạo Việt Nam có phẩm cấp, chất lượng ở mức trung bình khá, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng", ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines, cho biết.
Có thể thấy, Philippines hiện đánh giá cao về gạo Việt Nam, tuy nhiên để giữ được thị trường truyền thống này cũng như khai thác tốt tiềm năng, dư địa, theo ông Phùng Văn Thành, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo.
"Philippines là thị trường thường có biến động về cơ chế chính sách, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chính phủ Philippines đang tăng cường đầu tư cho nông nghiệp để hướng tới tự túc trong nước, giảm nhập khẩu, do đó doanh nghiệp cũng cần tự tìm hướng đi, thị trường mới để tránh rủi ro", ông Phùng Văn Thành khuyến nghị.
Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... trong quý I, II năm nay sẽ ổn định, do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực.
Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở, sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, giá cước vận tải biển cao, tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới sẽ tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. Do vậy, doanh nghiệp cần theo sát thị trường, chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!