Hiện một doanh nghiệp may mặc đang huy động nhân viên làm thêm trung bình 2 tiếng mỗi ngày, bởi đang vào đợt hàng cao điểm. Đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ, nếu có bất kỳ phát sinh nào so với dự kiến, quy định hạn chế giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng tới tiến độ đáp ứng đơn hàng của đối tác, vốn rất khắt khe.
"Thông thường nếu giao 100.000 hàng bằng tàu biển chỉ mất 10.000 USD, nhưng nếu giao bằng máy bay có thể mất tới 500.000 USD. Thậm chí, nếu giao hàng bằng máy bay không kịp, khách hàng không có hàng để bán mà họ còn phạt rất lớn. Thậm chí đối tác còn hủy đơn hàng" - ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 chia sẻ.
Bản thân không ít người lao động tại đơn vị này cũng chia sẻ, khi vào mùa cao điểm, chính người lao động cũng muốn tranh thủ làm thêm giờ.
Mặc dù tăng giờ làm thêm nghĩa là hạn chế thời gian nghỉ ngơi, và an toàn lao động. Nhưng theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới hơn 80% công nhân lao động cũng hưởng ứng đề xuất tăng giờ làm thêm. Mà nguyên nhân chính, là bởi mức lương hiện nay vẫn còn quá thấp.
Đại diện Tổng liên đoàn Lao động chia sẻ, thậm chí đôi khi nếu hợp đồng lao động không quy định giờ làm thêm, người lao động còn sẵn sàng bỏ đi làm chỗ khác. Tuy nhiên, nếu đề xuất tăng giờ làm thêm, cần đặc biệt lưu ý đảm bảo sức khỏe cho người lao động, cũng chính là đảm bảo năng suất cho doanh nghiệp khi người lao động làm việc trong thời gian dài.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!